MENU

Nhớ mãi trường Đại học Tài chính - Kế toán

Thứ hai, 01/12/2008 - 14:1
P/s: Trường Đại học Tài chính kế toán hồi ấy sơ tán ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú, thuộc vùng đất bán sơn địa (đồi thấp xen với ruộng lúa). Thời ấy đế quốc Mỹ đã đánh phá ác liệt ở miền Bắc, đặc biệt là đường giao thông. Tàu hỏa từ Hà Nội về Lào Cai phải chạy ban đêm và cũng bị máy bay Mỹ đánh phá nhiều lần. Ban ngày thỉnh thoảng mới có ô tô chạy. Từ thị xã Vĩnh Yên lên Lập Thạch chỉ có một chiếc ô tô chở khách, còn lại là đi bộ và xe đạp. Dân ở Lập Thạch thời đó nghèo lắm, nhà cửa rất chật hẹp, phần lớn nhân dân phải ăn độn (gạo trộn với ngô, sắn) các chợ ở vùng đó chỉ có bán rau, dưa, cà, cải và một ít gà vịt. Thịt lợn thì phải bán cho Nhà nước theo nghĩa vụ để phục vụ cho bộ đội và chiến trường. Sinh viên sẵn sàng lên đường đánh Mỹ khi được Nhà nước gọi đến tên mình.
 
Đối với sinh viên tài chính, đặc biệt là sinh viên khoa B, cán bộ và nhân dân địa phương sẵn sàng chia sẻ khó khăn và dành cho chúng tôi những thuận lợi nhất mà họ có thể dành được, nhất là trong sinh hoạt và học tập. Vả lại sinh viên thời ấy cũng rất ngoan. Ngoài việc học tập và lao động xây dựng trường, sinh viên cũng dành tất cả thời gian có thể để giúp đỡ các gia đình mình đang ở và lao động giúp các Hợp tác xã khi có chỉ đạo của nhà trường nên được dân rất thương yêu.
Có lẽ chưa có lúc nào trừ các trường học trong thời gian kháng chiến (chống Pháp) sức lao động của sinh viên được huy động cao như trường Đại học Tài chính kế toán. Bởi đay là một việc làm chính đáng trong lúc cả nước có chiến tranh, vì không còn cách làm nào khác.
Lao động rất vất vả và nặng nhọc nhưng lương thực vẫn mỗi người 13,5 kg/tháng (gạo độn ngô khoai) ngày hai bữa chính với mấy con tép hoặc mấy khứa cá nhỏ kho với măng và canh rau. Thật là gian khổ, khó khăn nhưng mọi người vẫn vui vẻ chẳng ai kêu than và bỏ học. Có lẽ lúc đó chúng tôi còn trẻ, khoẻ,, phần lớn là con nhà nghèo quen với lao động và ăn uống kham khổ, lại được nhà trường làm công tác tư tưởng tốt, mọi người thấy được khó khăn, gian khổ trong lúc cả nước có chiến tranh nên mọi khó khăn về ăn, ở, sinh hoạt và học tập sinh viên đều phấn đấu vượt qua.
Cho đến nay tôi không tính được những năm học ở Trường Đại học Tài chính có bao lần nên núi đốn gỗ, tre, nứa về sửa hội trương, nhà bếp và nhà tập thể sau những lần dông bão nhà bị tốc mãi, cột xiêu và bao lần đi tải gạo, lên núi lấy củi về nộp nghĩa vụ cho nhà bếp 30 kg/tháng.
Về chương trình học của khoa B thì rất nặng. Phải học lại các môn đã học ở trung cấp và các môn khác như chương trình của khoa dài hạn trong thời gian từ tháng 10/1968 đến tháng 2/1971. Ngày học 3 buổi sáng nghe giảng trên lớp, chiều và tối sinh viên tự nghiên cứu, chủ nhật thì vào rừng đốn gỗ và lấy củi.
Một lần nữa từ đáy lòng mình tôi xin tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc với những thầy cô thuộc lớp giáo viên đầu tiên và thế hệ thứ hai, mà tiêu biểu là thầy Hiệu trưởng Đỗ Trọng Kim đã dồn hết tâm huyết của mình trong sự nghiệp đào tạo cán bộ tài chính trong lúc chiến tranh ác liệt (trong số đó có một số thầy, cô đã qua đời). Tôi cũng xin chúc cho các thầy giáo, cô giáo và các thế hệ sinh viên sau này luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của trường xưa, đưa sự nghiệp đào tạo cán bộ tài chính lên tầm cao mới, phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa,, hiện đại hóa nước nhà.
Huỳnh Văn Phước
Cựu SV chuyên tu B
 Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang 
 Nguyên kiểm toán trường KTNN khu vực phía Nam
 

Số lượt đọc: 0


Trở về đầu trang