MENU

Hồi ký về trường Đại học Tài chính kế toán

Thứ tư, 26/11/2008 - 9:46
    P/S:Về phương diện văn chương thì còn nhiều chỗ phải bàn nhưng dòng hồi ký của Thầỳ giáo PGS,TS, Nguyễn Văn Kỷ đã tái hiện trung thực những chặng đường gian khổ, những tình người mà Thầy và trò từng qua và điều đáng quý của những trang viết là làm rạng ngời truyền thống"Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, thép càng trở nên cứng rắn"...
 
Những ngày đầu nhập trường
 
Năm học 1964 - 1965, là năm học đầy mới mẻ và bất ngờ. Bởi vì trường vừa mới xây xong lúc đó là xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội ở bệnh viện E bây giờ. Lúc này trường mới chỉ có 2 khóa sinh viên và mới được đổi tên từ trường cán bộ tài chính kế toán... thành trường Đại học Tài chính Kế toán Ngân hàng Trung ương
Trong lúc thầy trò đang quây quần bên nhau, vui vầy học tập thì cũng là những năm tháng giặc Mỹ bắt đầu mở chiến dịch chiến tranh phá hoại Miền Bắc, bởi vì chính Miền Bắc XHCN là nguồn chi viện lớn cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở Miền Nam.
Thế là trường Đại học Tài chính Kế toán lúc đó mới chỉ có hai khóa sinh viên, mới chỉ có hai khóa sinh viên, mới đổi tên trường và ở địa điểm mới xây dựng được hai năm, thầy trò đã phải lo lắng đi sơ tán để bảo toàn lực lượng, để góp phần chống lại ý đồ của địch muốn tiêu diệt, phá huỷ tất cả nguồn nhân tài vật lực to lớn của hậu phương đối với tiền tuyến.
Thế là phải đi sơ tán, địa điểm mà thầy trò đi sơ tán là xã Lãng Công, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Một xã miền núi giáp Quang Yên của Tuyên Quang, cách chợ Phan Lương chỉ khoảng 5-7 cây số. Nơi đây có núi Thép và núi Sáng. Xen lẫn vùng núi "sỉ đậu" chạy dài rất nhiều nứa, giang, cây Quế... tranh cỏ... để sinh viên có thể khai thác nguồn nguyên liệu để làm nhà ở, làm hội trường, làm lớp học và tạo lên những bàn học, ghế học, dụng cụ học tập có tính giã chiến của một thời chống Mỹ hào hùng của đất nước.
Nói là địa điểm nhưng cũng là một vùng đồi nú và thung lũng chạy dài từ "Đồng Quế" đi vào thôn Đoàn Kết, vào Trường Xuân rẽ phải qua dốc Tam Đa, đi lên dốc "Ai đậu". Qua Trường Xuân lên tới "Đồng Trầm" Yên Thiết. Ở đây có nhiều đồng bào dân tộc và cách chợ Phan Lương của Tuyên Quang không xa.
Tóm lại là một địa điểm sơ tán ở khá sâu, đi ra đường khá vất vả song là một địa điểm chống Mỹ, đọ sức với Mỹ khá lý tưởng.
 
Nói về Khóa 2 của trường bao gồm 9 lớp
 
Với các chuyên ngành Ngân sách, Thu quốc doanh kế toán công nghiệp Tài vụ công nghiệp Kế toán XDCB& Thương mại và Ngân hàng cũng là khóa được chọn đi sơ tán đầu tiên ở Lãng Công - Lập Thạch
Ở nơi sơ tán của thầy và trò vừa phải chăm lo dạy, học và chất lượng khi ra trường. Mặt khác, phải tự mình lên rừng chặt nứa, cắt tranh, tre, gỗ về tự mình thiết kế lấy hội trường, lớp học, nhà ở. Những hội trường có sức chứa vài trăm sinh viên phải tự xẻ núi để khi ngồi học khi có bom đạn của giặc Mỹ. Với hàng chục hào giao thông sâu hút đầu người chạy ngoằn nghèo qua nhiều hướng để thoát hiểm cho hàng trăm người. Bục giảng của thầy cũng phải có hầm hào ngay tức khắc. Đã có câu chuyện vui có thật xảy ra. Một hôm có một thầy giáo lên lớp vì quá say sưa vừa giảng vừa đi lại trên bục nên đã bước chân rơi ngay xuống hào thoát hiểm. Cả hội trường vừa cười vừa lo cho sự an toàn của thầy. Thầy giáo đứng dưới hầm đã nói vọng lên: Không hề gì! làm cả hội trường cười ồ lên.
Đã có chuyện: Một sinh viên là tổ phó yêu một nữ sinh viên cùng lớp, nhưng lại mắc cỡ không nói ra được đành tự nguyện lên rừng lấy củi thay bạn để bạn ở nhà nói hộ, không ngờ sau một thời gian thì cô nữ sinh kia lại yêu chính người nói hộ. Biết chuyện cậu sinh viên tổ phó kia liền cử cậu bạn nói hộ cùng đi với mình lên rừng lấy củi. Khi củi đã đầy thì cậu sinh viên tổ phó mới hỏi tội bạn về câu chuyện yêu đương. Kết quả do máu ghen và tính bồng bột của tuổi trẻ hai người đã đánh nhau một trận nhừ tử rồi đứng dậy gánh củi về mà không ai giám báo cáo với lớp cả vì lúc đó kỷ luật nhà trường rất nghiêm, xử phạt tội đánh nhau rất nặng.
Về công tác dân vận
Trước khi đi sơ tán lên vùng sâu, vùng xa ăn ở với đồng bào dân tộc, với người Kinh xa xôi... thì Ban Giám hiệu nhà trường đã cho các sinh viên học kỹ chính sách dân vận của Đảng và Nhà nước. Phải thực hiện bằng khẩu hiệu "đi dân nhớ, ở dân thương". Dân cùng với sinh viên trong một chiến hào đánh Mỹ...
Lãng Công những ngày ấy
Giếng nước và cây đa
Đã chào đón chúng ta
Chung sống những chuỗi ngày
Bao gian nan vất vả
Thắm đượm những tình người
Sắn lùi một củ chia đôi
Đói no cùng chịu cuộc đời sinh viên
Nhà em che chắn bức phên
Để anh có chỗ sách đèn sớm hôm
Nhà em chín đỏ vườn cam
Nâng niu quả ngọt lên bàn cho anh
Sớm khuya mải miết học hành
Đi xa có nhớ dân lành Lãng Công
 
Tình người trong học tập
 
Sinh viên từ các làng quê, các miền xa xôi từ đất nước nay được hội tụ về đây, cùng sống dưới một mái trường, dưới hai chiến hào đánh Mỹ cho nên tình bạn, tình thầy và ý chí quyết tâm vượt khó học tập đã được ghi lại trong nhật ký:
Lớp học tan rồi nhưng vẫn nhớ
Có bóng em lả lướt đi về
Có gió chiều thu vẫy gọi
Những "bóng hồng" thấp thoáng đâu đây
 
Từ giã làng quê vào lớp học
Ngỡ ngàng bao nỗi những lo toan
Mùa thi, mùa học lắm gian nan
Lời thầy ý bạn bao nghĩa đẹp
Một hôm các bếp ăn sinh viên được chia thịt trâu về cho các tổ tự nấu. Thế là sinh viên từng tốp kéo nhau vào rừng hái nấm cùng thịt trâu. Khốn nỗi sinh viên không biết đâu là nấm độc, đâu là nấm lành. Đành hái đại về nhà làm phép thử. Nhưng thử chưa đúng quy cách nên không có phản ứng gì. Nồi thịt nấu với nấm bốc mùi thơm ngon. Cũng ngay lúc đó bếp sinh viên đã hết người chỉ một mình cậu Phát ở lại ăn cơm. Ai cũng khen nồi thịt trâu ngon nhưng cậu Phát nhất định không ăn nên đã thoát chết, còn ba sinh viên Đức, Phụng và An cùng nhau ăn hết nồi thịt trâu. Ngay tối hôm đó sinh viên nữ An sức yếu hơn đã phải đi cấp cứu, còn hai sinh viên nam sáng mai vẫn dậy lên lớp. Nhưng đến trưa tất cả phải cấp cứu. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Cả lớp rồi đến cả khóa 2 gần đó nháo nhác chạy đi tìm thầy, tìm thuốc cứu bạn. Một sinh viên Việt Kiều từ Côn Đảo về có một cuốn sách tiếng Anh nói rằng: Thỏ rừng ăn mọi loại nấm mà không chết vì trong óc thỏ có chất kháng độc, do vậy con người khi ăn phải nấm độc có thể ăn óc thỏ rừng, nếu không có óc thỏ rừng có thể ăn óc thỏ nhà nhưng phải gấp lên 10 lần, thế là một cuộc đi lùng thỏ bắt đầu. Nhưng nước ở xa không giập được lửa gần, các bạn bị nấm độc lặng lẽ ra đi. Thật là một bài học nhớ đời cho cả thầy và trò.
Hết những chặng đường ghồ ghề khúc khuỷu nơi sơ tán, thầy trò lại hội tụ về Phúc Yên, nay là huyện Mê Linh thuộc Hà Nội, ở đây có một sự kiện lớn đã xảy ra: Sinh viên tự phát tổ chức nhau lại về Hà Nội đòi lại Bệnh viện E. Bởi nơi đây chính là trường Đại học Tài chính kế toán, khi đi sơ tán bàn giao lại cho Bộ Y tế tạm sử dụng làm Bệnh viện E. Sau khi có văn bản của Chính phủ, Bộ Y tế phải trả lại trường học cho Bộ Tài chính. Nhưng Bộ Y tế cố tình không chịu trả nên mới có chuyện sinh viên tự phát kéo về Hà Nội đòi trường. Mặt khác, khoa Kế toán tài chính do các thầy như thầy Hảo, thầy Tường... nguyên lúc đó là chủ nhiệm Khoa dẫn sinh viên về đòi lại Bệnh viện E, một tốp khác do các cán bộ giảng dạy như thầy Sơn, thầy Kỷ, thầy Lâm dẫn đầu mang các văn bản đòi trường và quyết định của Chính phủ đi đến các cơ quan Nhà nước. Cuộc đòi trường kéo dài thêm vài ba ngày. Để có những buổi học được tổ chức ngay tại Bệnh viện E, họ đã thay biển Bệnh viện E thành biển trường Đại học Tài chính kế toán, lúc này tình hình khá phức tạp, bởi vì đó là năm 1978 đang có chiến tranh biên giới xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Ở bên trong, sinh viên bạn bè các trường bạn tụ về ngày một đông. Do vậy, Chính phủ phải ra quyết định mới: giao trường học cho Bệnh viện E. Sinh viên Đại học Tài chính kế toán phải về Phúc Yên chờ quyết định mới. Sau đó là các đoàn xe ô tô dẫn sinh viên về lại Phúc Yên, một số thầy giáo như thầy Hảo, thầy Tường, thầy Trọng, thầy Lâm bị bắt đưa vào nhà giam Hỏa Lò - Hà Nội
Sau đó là một số thầy và cán bộ nhân viên của trường có liên quan lần lượt bị gọi về Hỏa Lò thẩm vấn như thầy Kỷ, thầy Ngoạn (lúc đó là trường phòng Hành chính), thầy Sơn và trưởng bếp ăn là ông Phó bếp đầm rượu:
Ông Phó được hỏi: Vì sao anh lại chở thức ăn về tiếp để cho bọn làm loạn... ông Phó đã trả lời tôi được giao nhiệm vụ nuôi quân, quân đi tới đâu tôi phải nuôi tới đó. Chưa có ai ra lệnh cho tôi không được nuôi quân đi đòi trường cả.
- Còn thầy Ngoạn - trưởng phòng Hành chính lại được hỏi: Ông là trưởng phòng hành chính ông nghĩ gì khi xe ôtô bị xịt lốp, điện thoại bị cắt. Thầy đã trả lời: Khi xe bị xịt lốp thì lốp xe bị xì hết hơi. Điện thoại bị cắt thì mất tín hiệu liên lạc.
- Ông Kỷ lại được hỏi: Ai cho phép anh đưa văn bản Chính phủ đi dán khắp nơi. Ông Kỷ trả lời: văn bản chính phủ phải cho dân biết, để dân thi hành, nếu bắt thì phải bắt đúng người không chịu thi hành văn bản Chính phủ chứ không phải bắt người đòi thi hành văn bản của Chính phủ.
Xem ra cuộc đòi trường đã khá phức tạp thành cuộc đấu trí, đấu lực khá gay go và quyết liệt
Trường về lại Đông Ngạc, sau đó được mang tên mới: Học viện Tài chính
Trường đã có hạng, có thương hiệu trong làng Đại học quốc gia. Danh hiệu kế toán tài chính khi ra trường đã có hạng trong cuộc sống hàng ngày.
Đã có nhiều Ban giám hiệu vì trường vì học sinh thân yêu, có bao nhiêu sáng tạo được ghi nhận trong các dòng thơ mộc mạc sau đây:
Thứ bảy và chủ nhật
Hết giờ thầy lên lớp
Hết giờ trò học thêm
Phòng giám hiệu, ánh đèn
 
Bộn bề bao công việc
Nào chất lượng chương trình
Nào công nghệ thông tin
Sức đâu lo cho đủ
 
Rồi đội ngũ giảng viên
Tay nghề và chất lượng
Sản phẩm khi ra trường
Thị trường đâu chấp nhận
 
Ban giám hiệu đáng yêu
Vì trường vì thương hiệu
Vì học sinh thân yêu
Thông minh và sáng tạo
 
Xa trường rồi lại gần trường
Ngậm ngùi quyến luyến tình thương tràn trề
Lúc này Học viện đã có quy mô lớn hơn, đào tạo giáo dục đa ngành về chất lượng, sản phẩm cũng cao hơn, gay gắt hơn, đòi hỏi cả thầy và trò phải cố gắng phấn đấu cao hơn. Đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ và Thạc sĩ... đã đông hơn, có tay nghề cao hơn, đã đáp ứng được nhiệm vụ "trồng người" mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.
Những mặt trái của kinh tế thị trường và một số phần tử thoái hóa biến chất. Họ và những người:
Có trái tim đen
Có trí tuệ đen
Nhưng đội lốt mũ đỏ
Để quấy nhiễu chống phá lại tinh thần ham học, ham giảng dạy của thầy và trò khá mạnh. Một số ngành đã bị chao đảo, ngả nghiêng trước sức mạnh của đồng tiền, của quyền lực và địa vị làm cho cuộc sống thầy trò hiền hòa, êm ả đã có lúc cuộn sóng, một cuộc đấu tranh "ai thắng ai" gay go và quyết liệt.
Song nhìn lại chặng đường 45 năm đã qua. Thầy trò ta có thể tự hào về những thử thách, về các bước trưởng thành, về con đường gồ ghề khúc khuỷu mà thầy trò đã đi qua.
 
Thay cho lời kết cảm ơn
 
Mái trường Tài chính ta ơi!
Nơi ta được tôi luyện
Trong lửa đỏ sục sôi
Trong gió lạnh cuộc đời
Ta trở nên cứng rắn
Như cây Tùng, cây Bách
Trong phong ba bã táp
Ánh thép vẫn sáng ngời./.
 
 
PGS,TS, Nguyễn Văn Kỷ.( Cựu sinh viên khoá 2,Cựu giáo viên)
 
 
 

Số lượt đọc: 0


Trở về đầu trang