P/s: Trong suốt chặng đường nhiều khó khăn, thử thách nhưng không ít vinh quang ấy, Học viện đã đào tạo hàng vạn cử nhân, hàng ngàn thạc sĩ và tiến sĩ kinh tế đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong mọi thời kỳ. Xin giới thiệu với bạn đọc những cảm xúc, những tâm sự của một số gương mặt cựu sinh viên đã học tập, rèn luyện và trưởng thành dưới mái trường Học viện Tài chính.
 
TS. Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cựu sinh viên Khóa 7: Tất cả như vẫn còn mới nguyên trong tôi !
Tôi rất tự hào từng là sinh viên của trường Đại học Tài chính. Đây là mái trường đã trang bị cho tôi không chỉ là những kiến thức nghiệp vụ mà còn là những hiểu biết, tri thức về xã hội. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê chiến tranh, không có điều kiện để tiếp xúc với thông tin... Do vậy, khi bước vào giảng đường đại học, tôi mới có điều kiện để tiếp nhận, phát triển và trưởng thành. Những kỷ niệm từ những ngày đầu đến trường đến giây phút nhận tấm bằng tốt nghiệp vẫn còn in đậm mãi trong trái tim tôi. Thời đấy những sinh viên chúng tôi học trong những lán trại, bằng đèn dầu nhưng luôn cố gắng học chăm chỉ, học giỏi để lĩnh hội kiến thức. Lúc đấy chỉ có học và lao động, rèn luyện và phấn đấu với một tâm niệm làm sao để đạt được điểm cao nhất. Các thầy giáo rất chăm lo cho các sinh viên của mình. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh thầy đến tận từng nhà dân - nơi ở nhờ của sinh viên để kiểm tra xem các em còn học hay đã đi ngủ sớm, nhắc nhở các em phải chăm chỉ học bài. Những kỷ niệm đẹp đó liệu sinh viên thời nay có được như thời của chúng tôi hay không?
Phải công nhận rằng, tác dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà trường vẫn luôn có những giáo trình và phương pháp đào tạo tốt. Sinh viên tốt nghiệp Học viện Tài chính luôn được đánh giá cao và có cơ hội tìm công việc tốt trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Trong thực tế, nhiều người đã tốt nghiệp ở trường ra và đã rất thành đạt, được xã hội tôn vinh. Tôi có điều kiện đi công tác nhiều nơi, đến đâu những cựu sinh viên tài chính cũng đều có những cảm xúc tốt đẹp về mái trường thân yêu, luôn dành cho nhau những tình cảm ấm áp, tinh thần tương thân tương ái, có mối gắn kết nghề nghiệp, hợp tác, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.
 
Nhà thơ Hoàng Trần Cương - Tổng biên tập Thời báo Tài chính, cựu sinh viên khóa 5 và khóa 10: Mãi mãi tri ân
Có lẽ, thế hệ sinh viên vào thời của chúng tôi hình như được liệt vào top đầu tiên của nhà trường. Tôi còn nhớ năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã ngập tràn miền Bắc. Dưới tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, bất kể chủ nhật hoặc ngày nghỉ thầy trò chúng tôi lao vào xây dựng trường lớp. Những hội trường nửa nổi nửa chìm, những lán trại lún sâu trong rừng rậm bên những cụm vầu, thầy trò chúng tôi đã sát cánh bên nhau nhặt từng con chữ để "tẩm bổ" kiến thức cho mình. Và cái thời đạn bom ấy, vừa chớm vào năm thứ 4 khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, tôi tình nguyện nhập ngũ. Tôi còn nhớ, chỉ sau một ngày nhận được giấy báo nhập ngũ, xe của nhà trường đưa chúng tôi rời Lập Thạch đến tận gần nửa đêm mới tới Phúc Yên. Suốt cả đêm hôm ấy, toàn bộ sinh viên nam nữ lớp H13 (Kế toán xây dựng cơ bản) gần như thức trắng để sáng hôm sau tiễn tôi vào quân ngũ. Trong hơn 5 năm tại ngũ, tôi trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường A tại mặt trận Bản Đông, đường 9 Nam Lào, mặt trận Quảng Trị 1972 và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975. Đất nước thống nhất, rời quân ngũ tôi tiếp tục trở lại trường và học năm cuối với các bạn sinh viên C10-21 (Khoa Kế toán chuyên ngành công nghiệp)
Ra trường khoảng cuối năm 1976 và kéo đến đầu năm 1980, tôi được Bộ Tài chính điều động vào công tác tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam làm phó trưởng đoàn cải tiến quản lý các doanh nghiệp Trung ương tại vùng đất vừa giải phóng. Những đợt đổi tiền, những tháng ngày tham gia công tác cải tạo tư bản kinh doanh tại TP Sài Gòn đã để lại trong tôi nhiều gặt hái. Năm 1981, tôi đến công tác tại Bộ Lương thực với tư cách là kế toán trưởng của tờ báo ngành. Tháng 9/1993, khi Bộ Tài chính có chủ trương ra tờ Thời báo Tài chính Việt Nam, tôi lại được về Bộ Tài chính và công tác tại tờ báo mới tinh này suốt từ đấy đến nay. Điều cần nói thêm, trong những năm tháng chiến tranh cũng như trải dài suốt thời bao cấp và lấn sang thời đoạn của nền kinh tế thị trường, tôi luôn ý thức được mình không chỉ là cựu sinh viên của trường Đại học Tài chính kế toán mà tôi đã đem những kiến thức có được từ mái trường thân yêu này vào những sáng tác văn chương của mình. Tôi đã giành giải A cuộc thi viết về đề tài chiến tranh cách mạng năm 1970-1972 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Năm 1989-1990, tôi đoạt giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ. Năm 1994-1999, tôi giành được giải thưởng văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng cho Trường ca Trầm tích Năm 2000, tôi tiếp tục được nhận giải đặc biệt của giải thưởng Hồ Xuân Hương do tỉnh Nghệ An tổ chức 5 năm 1 lần cho Trường ca trầm tích. Ngoài ra, với tư cách là Tổng biên tập TBTCVN, bằng những đóng góp của mình, tôi đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng 3 năm 2006.
Nếu cần nói thêm một điều gì đấy nữa, sau tất cả những thành đạt trên lĩnh vực văn chương cũng như trong cuộc sống đời thường, tôi mãi tri ân mái trường Đại học Tài chính kế toán,, mãi tri ân các thầy cô đã lao tâm khổ trí để dạy dỗ chúng tôi nên người.
 
GS.TS Vương Đình Huệ - Tổng kiểm toán Nhà nước - Nguyên phó hiệu trưởng nhà trường, cựu sinh viên khóa 12: Những năm tháng không thể nào quên
Là sinh viên khóa 12 của trường vào những thập niên 70, có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, nhờ có bài kiểm tra tự luận môn triết học Mác - Lên nin về "Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức" với điểm tối đa, được thầy giáo Nguyễn Quốc Dũng đọc mẫu ở nhiều lớp nên tôi được nhiều bạn bè "biết tên". Từ dấu ấn đáng nhớ đó cộng với vài chút tài lẻ về đàn hát mà tôi được bầu làm Bí thư chi đoàn, lớp phó phụ trách học tập liên tục cho đến khi tốt nghiệp. Sau khi ra trường tôi vinh dự được giữ lại làm giảng viên vào năm 1978. Đó cũng chính là sự khởi nguồn cho những thành công của tôi sau này. Năm 1985, tôi thi đỗ nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) tại Đại học Kinh tế Bratislava (Tiệp Khắc cũ) vào năm 1990. Năm 1991, tôi về nước tiếp tục công tác tại trường và đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau, từ Phó trưởng khoa, Trường khoa và năm 1999, tôi có niềm vui "kép" là được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và được tặng thưởng Huân chương Vì sự nghiệp Giáo dục. Năm 2003, được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động Hạng 3. Với những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thế hệ cán bộ, giáo viên, sinh viên trong trường, tôi được Nhà nước phong tặng học hàm Phó giáo sư kinh tế lúc 39 tuổi và đến năm 46 tuổi được phong hàm Giáo sư. Nhìn lại 30 năm gắn bó với nhà trường, tôi thấy đúng là có rất nhiều thành công của hôm nay mình có được là từ những năm tháng không thể quên ấy...
 
TS. Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm uỷ ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, cựu sinh viên Khóa 14: Lớn lên từ điều kiện khắc nghiệt
Chúng tôi luôn tự hào mình từng là sinh viên trường Đại học Tài chính kế toán và hôm nay là Học viện Tài chính, là một trường đại học có uy tín, có "thương hiệu" trong các trường đại học kinh tế của cả nước.
Từ khi rời khỏi trường Đại học đến nay, tôi luôn là người gắn bó với ngành Tài chính. Tôi đã trải qua nhiều vị trí công tác ở các cơ quan trong các ngành như: Tài chính, Kho bạc, Thuế và cũng từng làm ở cấp huyện, cấp tỉnh và hôm nay công tác ở Quốc hội, tôi vẫn gắn bó với lĩnh vực tài chính, ngân sách. Có thể nói, Học viện Tài chính là nơi đào tạo tôi trở thành ngưòi cán bộ tài chính và ngành Tài chính đã dìu dắt, bồi dưỡng tôi trưởng thành như hôm nay. Tôi không bao giờ quên những công lao to lớn đó của nhà trường và của ngành Tài chính. Nói đến kỷ niệm về nhà trường thì thật là nhiều: thế hệ sinh viên chúng tôi là thế hệ vừa kết thúc 10 năm học phổ thông trong điều kiện học vô cùng khắc nghiệt của những năm tháng cuối cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sinh viên của Học viện Tài chính bây giờ chắc không phải trải qua để có những kỷ niệm: đi học trên giảng đường bằng dầu hỏa, những buổi lao động trồng sắn để tự túc lương thực ở Vĩnh Phúc và thậm chí kể cả câu chuyện "đòi lại trường"... các kỷ niệm vui buồn đó luôn trở về trong tôi trong những dịp kỷ niệm ngày thành lập trường và mỗi khi gặp lại bạn bè cùng học...
TS. Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - Cựu sinh viên khóa 16: Nơi nuôi dưỡng ước mơ
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiếu học Ý Yên (Nam Định), sau khi tốt nghiệp phổ thông, ước mơ được trở thành một nhà kinh tế góp sức vào xây dựng và kiến thiết đất nước đã đưa tôi đến với trường Đại học Tài chính kế toán (tiền thân của Học viện Tài chính ngày nay). Sau 4 năm miệt mài đèn sách, tôi đến với công trình Thủy điện Sông Đà giữa những ngày sục sôi khí thế thi đua. Đây chính là giai đoạn các doanh nghiệp Nhà nước từng bước tiến hành hạch toán kinh doanh, thoát khỏi vỏ bọc bao cấp nên vai trò của người cán bộ tài chính doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Người lãnh đạo doanh nghiệp muốn đưa doanh nghiệp mình phát triển càn phải có kiến thức sâu rộng về kinh tế, phải là một nhà quản trị và điều hành kinh doanh bài bản và chuyên nghiệp. Hơn bao giờ hết, bài toán hạch kinh doanh của mỗi doanh nghiệp trở thành vấn đề sống còn trong cơ chế thị trường. Sự ham học, mong muốn không ngừng khám phá và hoàn thiện mình đã hối thúc tôi tiếp tục học lên. Sau khi hoàn thành chương trình cao học với học lực loại giỏi, được sự động viên, khuyến khích của các thầy và đồng nghiệp, tôi đã quyết định làm nghiên cứu sinh và sau đó đã bảo vệ luận án tiến sĩ kinh tế. Nhiều nội dung trong đề tài bảo vệ này đã được tôi áp dụng cho hoạt động cảu Tổng công ty Sông Đà, góp phần giúp hoạt động của đơn vị đạt hiệu quả cao.
Tháng 10/2006, sau khi được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm vào cương vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, dù ở cương vị nào, tôi vẫn không thể nào quên những kỷ niệm đẹp về mái trường xưa. Những kiến thức về kinh tế tài chính mà tôi có được từ các thầy, từ ngôi trường này đã tạo cho tôi được như ngày hôm nay.
 
Số lượt đọc: 0