Niềm tự hào của tôi
Thứ hai, 29/09/2008 - 15:12
… Một ngày làm việc của tôi không chỉ bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối mà thật hiếm khi nào tôi rời bàn làm việc trước 12 giờ đêm. Không có ai, không có quy định nào bắt buộc tôi cả. Chỉ có chữ tâm của người thầy thôi thúc tôi làm việc có trách nhiệm với tất cả tâm trí và khả năng của mình. Tôi cảm thấy tôi đã, đang sống và làm việc có trách nhiệm với sinh viên, với gia đình, với chính mình và tôi tự hào về điều đó.
 
Nhân một lần đến thăm cô bạn gái làm việc tại một doanh nghiệp, cô bạn đó có nói với tôi rằng, công việc của một giảng viên như tôi thật nhàn nhã vì một tuần chỉ giảng có mấy tiết ở trường, thời gian còn lại có thể đi du lịch hoặc làm bất cứ điều gì mình muốn, còn cô ấy phải làm cật lực từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối. Tôi chỉ mỉm cười bởi tôi biết rằng không chỉ riêng cô bạn tôi mà còn rất nhiều người chưa hiểu hết về nghề giáo viên. Thậm chí có người còn nghĩ rằng, giáo viên chỉ cần soạn giáo án cho năm đầu tiên còn những năm sau cứ “bê” nguyên giáo án đó giảng cho sinh viên. Theo thời gian, kiến thức và bài giảng trở thành lối mòn. Nhưng quả thực, nếu có những giáo viên làm việc như vậy thì thật đáng buồn bởi vì họ đã không sống và làm việc có trách nhiệm đối với sinh viên và đối với ngay chính bản thân mình.
Là một nữ giảng viên trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề, kinh nghiệm giảng dạy tích luỹ được còn ít lắm nhưng tôi nghĩ rằng mình đã từng trải qua thời sinh viên. Hay nói cụ thể hơn là mình đã từng có thời gian học tập, nghiên cứu, có những tâm tư, tình cảm của một người sinh viên nên hơn ai hết, giờ đây là một giảng viên tôi luôn tự nhủ mình phải làm việc như thế nào để mỗi khi bước chân lên bục giảng có thể phấn chấn, tự tin, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng được những kỳ vọng mà các em sinh viên mong mỏi ở mình. Để làm được điều này thật không dễ dàng chút nào bởi nó đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của mỗi giảng viên. Đúng là số giờ giảng của giáo viên trẻ nói chung hiện nay là ít, thậm chí giáo viên ở một số bộ môn mới chưa có giờ giảng nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta buông lỏng bản thân, sao nhãng việc nghiên cứu và rèn luyện tác phong của mình. Mỗi một tiết giảng trên lớp đòi hỏi giáo viên trẻ phải làm việc ở nhà một cách nghiêm túc trong hàng chục giờ, thậm chí có thể nhiều hơn nữa đối với những vấn đề mới. Mỗi một ý, mỗi câu chữ trong bài giảng chúng ta phải tìm các cách thức khác nhau để truyền đạt cho sinh viên. Thậm chí, để có được cách giải thích cặn kẽ nhất, dễ hiểu nhất cho nguyên nhân, nguồn gốc của một vấn đề, chúng ta lại phải tra cứu, tham khảo ở nhiều tài liệu khác nhau. Những giảng viên có thâm niên trong lĩnh vực giảng dạy thường nói rằng “giảng một, biết mười” vậy những giảng viên trẻ như chúng ta cũng phải cố gắng biết năm, biết sáu để có thể có được sự chủ động trong kiến thức của mình. Mặc dù đã qua những ngày lên lớp đầu tiên trong cuộc đời một giảng viên và mặc dầu đã chuẩn bị bài giảng rất kỹ nhưng tôi vẫn không quên xem lại bài trước khi lên lớp. Tôi vẫn biết rằng theo năm tháng, giảng viên có thể thuộc bài giảng của mình nhưng điều đó là chưa đủ nếu chúng ta không cập nhật một cách thường xuyên bởi với tốc độ phát triển như hiện nay, thông tin rất dễ bị lạc hậu. Những vấn đề chúng ta giảng dạy là vấn đề lý luận nhưng phải luôn được gắn liền với thực tế thì sinh viên mới cảm thấy gần gũi, dễ tiếp thu và những kiến thức chúng ta truyền đạt mới có tính thực tiễn cao. Tôi biết có trường hợp, Nghị định của Chính phủ trực tiếp liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của môn học đã có hiệu lực được gần một năm nhưng giảng viên vẫn giảng dạy theo quy định cũ. Vậy những sinh viên chịu khó cập nhật thông tin sẽ nghĩ về chúng ta như thế nào? Liệu những kỳ vọng các em tin tưởng đặt nơi chúng ta có được đáp ứng hay không? Đó là một ví dụ rất nhỏ, và câu trả lời dành cho mỗi chúng ta.
Một giảng viên nói chung phải phấn đấu rất nhiều và đặc biệt với nữ giảng viên lại càng phải cố gắng nhiều hơn. Học viện chúng ta đã có biết bao tấm gương sáng về những nữ giảng viên vừa đảm việc nhà vừa giỏi giang và thành đạt trong công tác chuyên môn, công tác lãnh đạo. Nhiều người hiện nay đang giữ những vị trí cao và then chốt trong Học viện như trưởng phó bộ môn, trưởng phó khoa, phó giám đốc Học viện. Những nữ giảng viên khác cũng giảng dạy tốt không thua kém gì so với nam giới và tôi biết rằng họ đã có một sự nỗ lực rất lớn. Xã hội hiện nay đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tạo ra sự bình đẳng về các quyền đối với nữ giới và nam giới nhưng “làm mẹ” đã trở thành thiên chức không thể thay thế đwojc của người phụ nữ. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người phụ nữ và của cả gia đình. Đi đôi với niềm hạnh phúc ấy là biết bao gian nan, vất vả trong việc sinh dưỡng con cái, chăm sóc cho gia đình. Người đàn ông thời nay đã có trách nhiệm cao hơn trong gia đình, đã chia sẻ nhiều hơn gánh nặng của công việc nội trợ, chăm sóc con cái nhưng nhìn chung trách nhiệm chính vẫn thuộc về phụ nữ. Không thể phủ nhận rằng những người phụ nữ thành đạt thường có sự cảm thông, hỗ trợ, chia sẻ rất lớn từ phía gia đình nhưng tôi cũng lại nhấn mạnh một điều là: để có được sự cảm thông chia sẻ ấy, người phụ nữ phải rất khéo léo kết hợp giữa gia đình và công việc, không ai khác mà chính người phụ nữ phải trở thành chiếc cầu kết nối tình cảm giữa các thành viên, tạo nên bầu không khí ấm áp, vui vẻ trong gia đình. Và ngược lại, người phụ nữ lại tìm thấy sức mạnh lớn lao từ gia đình giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, yên tâm công tác, tập trung cao trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như các công việc khác.
Tôi may mắn có được mọt người bạn đời biết cảm thông, luôn khuyến khích, động viên tôi trong công việc. Ngoài thời gian chăm sóc cho gia đình riêng và nội ngoại hai bên, toàn bộ thời gian còn lại tôi dành cho việc nghiên cứu, chuẩn bị bài và giảng dạy. Một ngày làm việc của tôi không chỉ bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối mà thật hiếm khi nào tôi rời bàn làm việc trước 12 giờ đêm. Không có ai, không có quy định nào bắt buộc tôi cả. Chỉ có chữ tâm của người thầy thôi thúc tôi làm việc có trách nhiệm với tất cả tâm trí và khả năng của mình. Tôi cảm thấy tôi đã, đang sống và làm việc có trách nhiệm với sinh viên, với gia đình, với chính mình và tôi tự hào về điều đó.
Trần Thị Thanh Hà
Khoa Quản trị kinh doanh
Số lượt đọc: 0