MENU

Học viện Tài chính đồng hành cùng Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng, ban hành chuẩn mực Kế toán công ở Việt Nam

Thứ hai, 15/07/2024 - 14:51
Sáng 10/7/2024 tại Kho bạc Nhà nước, đoàn đại biểu Học viện Tài chính tham dự hội thảo công bố 05 Chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 3 và định hướng hoàn thiện pháp luật kế toán trong khu vực công do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng - chủ trì Hội thảo.

Cùng tham dự tại điểm cầu Hà Nội có gần 200 đại biểu đến từ: Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, một số Bộ ngành, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cùng đại diện một số Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Tại điểm cầu Thái Lan, tham dự Hội thảo có bà Patricia Mc Kenzie - Giám đốc Quản trị và Quản lý Tài chính khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam để có cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy trình và nội dung thông tin của các BCTCNN, đảm bảo việc cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác và minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý của Chính phủ. Đồng thời, góp phần xây dựng nền tài chính của quốc gia an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu tăng cường giám sát từ các cơ quan dân cử, từ các tổ chức xã hội, người dân, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận.

Ghi nhận thành tựu của Việt Nam trong công bố đợt 3 chuẩn mực kế toán công, bà Patricia Mc Kenzie - Giám đốc Quản trị và Quản lý Tài chính khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB cho biết, trên lộ trình đã xác định từ năm 2020-2024, Việt Nam đã ban hành 16 chuẩn mực kế toán công. So với các quốc gia ở Đông Nam Á, Thái Bình Dương và toàn cầu thì đây là cột mốc quan trọng của Việt Nam. “Không chỉ thể hiện năng lực chuyên môn mà còn là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đi đầu trong lĩnh vực kế toán. Điều này có ý nghĩa biểu trưng rất lớn, thể hiện quyết tâm của Việt Nam”, bà Patricia Mc Kenzie nêu rõ.

Bà Patricia Mc Kenzie - Giám đốc Quản trị và Quản lý Tài chính khu vực
Đông Á và Thái Bình Dương của WB phát biểu tại điểm cầu WB (Thái Lan)

Quá trình cải cách, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải cung cấp thông tin tài chính có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận. Việc xây dựng được các nguyên tắc, yêu cầu nhằm có được thông tin báo cáo tài chính trong khu vực công tại Việt Nam một cách đầy đủ, chính xác và minh bạch theo thông lệ quốc tế là nhu cầu cần thiết, phù hợp với bối cảnh cơ chế tài chính khu vực công, góp phần xây dựng nền tài chính của quốc gia bền vững.

Trong đó, việc cải cách, đổi mới hệ thống pháp luật về kế toán trong khu vực công được Bộ Tài chính đặc biệt coi trọng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Vai trò của kế toán công được thể hiện trong việc thực hiện các chức năng cung cấp thông tin và kiểm tra, giám sát của nó đối với hoạt động kinh tế - tài chính của Nhà nước. Để có thông tin báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) tin cậy, hiệu quả thì cần phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Cho đến nay, Bộ Tài chính đã có 3 đợt công bố chuẩn mực kế toán công Việt Nam: năm 2021 công bố 5 chuẩn mực theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 1/9/2021; năm 2022 công bố 6 chuẩn mực, và lần này tiếp tục công bố 5 chuẩn mực tiếp theo. Tổng số chuẩn mực kế toán công Việt Nam được công bố đến nay là 16 chuẩn mực.

Đợt/ Thời gian

Quyết định

Số lượng chuẩn mực

Tên và nội dung chuẩn mực

1 – Tháng 9/2021

1676/QĐ-BTC ngày 1/9/2021

5

VPSAS số 01 – Trình bày BCTC

VPSAS số 02 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

VPSAS 12 – Hàng tồn kho

VPSAS 17 – Bất động sản, nhà xưởng, thiết bị

VPSAS 31 – Tài sản vô hình

2 – Tháng 7/2022

Quyết định số 1366/QĐ-BTC ngày 6/7/2022

6

VPSAS 5 – Chi phí đi vay

VPSAS 9 – Doanh thu từ giao dịch trao đổi

VPSAS 11 – Hợp đồng xây dựng

VPSAS 14 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm

VPSAS 23 – Doanh thu từ giao dịch không trao đổi

VPSAS 24 – Trình bày thông tin ngân sách trong BCTC

3 – Tháng 6/2024

Quyết định số 1351/QĐ-BTC ngày 14/6/2024

5

VPSAS 03 “Các chính sách kế toán, thay đổi trong ước tính kế toán và các sai sót”;

VPSAS 04 “Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái”;

VPSAS 19 “Dự phòng, nợ phải trả tiềm tàng và tài sản tiềm tàng”;

VPSAS 32 “Thoả thuận nhượng quyền dịch vụ-bên cấp quyền”;

VPSAS 43 “Thuê tài sản

Các đại biểu Học viện Tài chính tham dự hội thảo

Quá trình xây dựng, ban hành 16 chuẩn mực kế toán công vừa qua không thể thiếu sự đóng góp của Học viện Tài chính khi các giảng viên, nhà khoa học của Học viện Tài chính là thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập chuẩn mực kế toán công Việt Nam, trực tiếp tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện từng chuẩn mực, theo sát quá trình xây dựng, công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo Quyết định số 1299/QĐ-BTC ngày 31/7/2019. Trong đó: PGS.TS.NGƯT Nguyễn Vũ Việt là thành viên ban chỉ đạo; PGS, TS. Ngô Thanh Hòang là thành viên ban soạn thảo; các giảng viên bộ môn Kế toán công như Hy Thị Hải Yến, Ngô Thị Thùy Quyên là thành viên tổ biên tập, ...

Với vai trò là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, tự hào là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học có chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính, kế toán, đồng thời là cơ sở đào tạo đại học đầu tiên trên cả nước có đào tạo chuyên ngành kế toán công, Học viện Tài chính luôn đồng hành, tham gia cùng Bộ Tài chính ở các lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu tư vấn chính sách, truyền thông; là cầu nối đưa vào thực tiễn các chính sách chế độ của ngành. Thời gian tới, Học viện tiếp tục trực tiếp tham gia tổ soạn thảo chuẩn mực kế toán công Việt Nam cùng Bộ Tài chính, ngày càng tăng cường chất lượng nghiên cứu học thuật và thể chế chính sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện chiến lược của ngành tài chính và quốc qia.

Ban Quản lý khoa học

Số lượt đọc: 139


Trở về đầu trang