Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và bạn bè quốc tế dành cho Người, nhưng Người nhận mình là nhà cách mạng và nhà báo. Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã gắn bó với báo chí như một “duyên nợ” trong suốt cuộc đời mình.
Những cống hiến của Người cho báo chí cách mạng Việt Nam là một phần rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp của Người. Người không chỉ là một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam mà còn là một cây bút xuất sắc, một nhà báo lớn, Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.
1. Người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam
Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã học cách viết báo, làm báo. Với Người, báo chí phục vụ mục đích trong sáng và cao cả của Đảng, của sự nghiệp cách mạng, là công cụ để tuyên truyền khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân ta, biểu dương những cái tốt, người tốt, việc tốt, ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực.
Hồ Chí Minh là biểu tượng của báo chí Cách mạng, phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và của dân tộc. Bác làm báo không chú ý đến tên tuổi và sự nghiệp mà chỉ quan tâm đến cái đích thiêng liêng đó. Bác là nhà báo với ý nghĩa chân chính nhất của nghề báo.
Bài viết đầu tiên được đăng tải trên báo chí Pháp của Người giống như một mũi tên bắn chính diện vào kẻ thù ngay trên đất nước của bọn chúng, đó là bài “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” được gửi đến hội nghị Versailles (Véc xây) năm 1919; vạch trần bản chất bóc lột, vô nhân đạo của bọn thực dân qua bài “Tâm địa thực dân”…
Chính vì mục đích đó, năm 1922, tại Pháp, Bác đã tham gia sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) và được coi là “linh hồn” của tờ báo, Người vừa làm chủ bút, chủ biên, giữ quỹ, phát hành và bán báo. Với báo “Người cùng khổ”, bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa để cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ và ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa đòi quyền sống, quyền con người, quyền dân tộc của các dân tộc thuộc địa. Năm 1924, Người sáng lập báo “Quốc tế nông dân”. Đặc biệt, đến năm 1925, tờ báo “Thanh niên” - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ra số đầu tiên ngày 21/6/1925 là điểm mốc đáng nhớ, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, tiền thân của dòng báo chí vô sản sau này. Nguyễn Ái Quốc đã dùng tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc, để tập hợp và giác ngộ quần chúng, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí Cách mạng và nêu cao trách nhiệm của báo chí, của nhà báo trước xã hội, năm 1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, cho xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan Trung ương của Đảng, Ban công vận Trung ương của Đảng ra báo Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc kỳ ra báo Lao động...
Tháng 9/1929, An Nam Cộng sản Đảng ra báo Đỏ. Những tờ báo của các tổ chức Cộng sản sơ khai này có tác dụng rất quan trọng trong việc giáo dục ý thức giai cấp, đấu tranh giai cấp và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cho quần chúng lao động.
Tháng 2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được triệu tập dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng, quyết định Trung ương và địa phương sẽ ra báo của Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất. Ngày 5/8/1930, Trung ương cho ra báo Tạp chí đỏ; ngày 15/8/1930, báo Tranh đấu ra mắt.
Tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Trung ương Đảng cho ra báo Cờ vô sản và tạp chí Cộng sản. Các xứ ủy, tỉnh ủy, nhiều huyện ủy và chi bộ cũng ra báo. Báo chí trong thời kỳ này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động cao trào cách mạng của công nông chống đế quốc-phong kiến, đỉnh cao là cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh. Cũng trong thời kỳ này, Ban lãnh đạo ở nước ngoài của Đảng được thành lập làm nhiệm vụ tạm thời của Trung ương, xuất bản tạp chí Bônsêvích làm cơ quan lý luận để thống nhất Đảng, Tháng 3/1935, Đại hội Đảng lần thứ nhất họp, quyết định chuyển tạp chí Bônsêvích thành tạp chí lý luận Trung ương của Đảng.
Các chi bộ cộng sản trong một số nhà tù lớn cũng đã xuất bản báo và tạp chí. Báo chí trong những năm 1930-1936 đã phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chống chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản và chủ nghĩa dân tộc tư sản của Việt Nam quốc dân Đảng, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới.
Tranh thủ điều kiện quốc tế có nhiều thuận lợi, mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập ở nhiều nước, trong đó có nước Pháp và hình thành Mặt trận nhân dân thế giới chống phát xít, lợi dụng khả năng hoạt động nửa hợp pháp, nửa bất hợp pháp, Đảng chủ trương đưa báo chí ra xuất bản công khai, hợp pháp. Một số tờ báo cách mạng bằng chữ Pháp được xuất bản ở Hà Nội, cùng với đó, một loạt các tờ báo tiếng Việt đã được xuất bản công khai hợp pháp, trong đó có tờ Dân chúng, cơ quan Trung ương của Đảng.
Báo chí thời kỳ vận động dân chủ in ty-pô số lượng lớn. Có tờ chiếm kỷ lục như Dân chúng số Xuân 1939 in đến 15.000 bản. Trình bày bài vở trên mặt báo đã mang dáng dấp hiện đại, biên tập và in nhanh, phát hành nhanh, rộng trong cả nước và ra nước ngoài.
Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh thành lập. Tháng 8/1941, báo Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lấy danh nghĩa Việt Minh tỉnh Cao Bằng, sau mở rộng thành Việt Minh Cao Bằng - Bắc Cạn, rồi Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn.
Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc, cơ quan của tổng bộ Việt Minh ra đời.
Ngày 10/10/1942, báo Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản số 1. Trung ương còn xuất bản tạp chí Cộng sản làm cơ quan lý luận. Các kỳ bộ Việt Minh và tỉnh bộ Việt Minh lần lượt cho xuất bản báo của địa phương cùng với báo của các đoàn thể cứu quốc ở Trung ương: Công nhân, Thanh niên, Học sinh, Văn hóa, Tự vệ...
Báo chí phục vụ tích cực cho xây dựng lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Từ sau khi có chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của tổng bộ Việt Minh (5/1944) và nhất là sau cuộc đảo chính Nhật-Pháp (3/1945), Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa, một số báo của các lực lượng vũ trang từ các căn cứ kháng Nhật và khu giải phóng được xuất bản.
Hai tờ báo Cờ giải phóng và Cứu quốc có cống hiến lớn nhất trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám 1945.
Kể từ khi báo Thanh niên ra đời đến tháng 8/1945, tổng cộng có hơn 270 tờ báo và tạp chí.
Báo chí thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến 1975:
Từ tháng 8/1945 trở đi, dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng xuất bản công khai, in ty-pô với số lượng lớn. Báo Cứu quốc xuất bản hàng ngày là tờ báo lớn nhất cả nước. Trong làng báo xuất hiện hai cơ quan mới: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Cuối năm 1945, Đảng chuyển vào bí mật, báo Cờ giải phóng ngừng xuất bản; báo Sự Thật ra đời với danh nghĩa cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
Trong năm đầu của chính quyền cách mạng, báo chí phục vụ tích cực cho nhiệm vụ bảo vệ chính quyền non trẻ.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai bùng nổ và lan rộng. Báo chí cách mạng có một bộ phận xuất bản công khai ở các vùng tự do và các căn cứ kháng chiến, một bộ phận xuất bản trong vùng địch chiếm. Những văn kiện của Đảng, bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng được in trên các báo Trung ương và các báo địa phương.
Năm 1951, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản, tạp chí Cộng sản, tạp chí Sinh hoạt nội bộ, báo Quân đội Nhân dân ra đời.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, nước ta tạm thời chia làm 2 miền với 2 nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có một nhiệm vụ chung: Đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.
Báo chí của ta hình thành báo chí tự do ở miền Bắc và báo chí xuất bản bí mật bất hợp pháp ở vùng địch tạm chiếm ở miền Nam. Trong điều kiện mới, báo chí miền Bắc có những bước tiến vượt bậc. Báo Nhân Dân ra hàng ngày, in với số lượng lớn nhất bằng kỹ thuật tiên tiến. Trung ương cho ra tạp chí lý luận, lúc đầu là Học tập, sau đổi là tạp chí Cộng sản.
Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo.
Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước và tháng 7/1950 gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ).
Theo dòng chảy của cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng, quan điểm của Bác Hồ, báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, hiện nay, cả nước có 954 cơ quan báo chí; trong đó 706 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh truyền hình và có trên 17.000 nhà báo thuộc cơ quan báo chí được cấp thẻ nhà báo, 19.000 Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, sinh hoạt tại các chi hội, liên chi hội. Trong suốt chặng đường phát triển, báo chí Việt Nam và đội ngũ các nhà báo đã không ngừng cố gắng, cống hiến và làm tốt vai trò là người tuyên truyền cổ động, giáo dục, giác ngộ quần chúng để đưa nhân dân hướng đến mục đích chung của sự nghiệp cách mạng nước nhà.
2. Một phong cách báo chí độc đáo - phong cách Hồ Chí Minh
Cuộc đời hoạt động của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là để làm cách mạng và để làm cách mạng Người đã trở thành một nhà báo, với hơn 2.000 bài báo, tác phẩm cùng nhiều thể loại, và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Các tác phẩm báo chí của Người có nội dung vô cùng sâu sắc và hết sức mẫu mực về hình thức thể hiện, tạo nên một phong cách độc đáo - phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Theo Người, báo chí chúng ta chỉ có một đề tài xuyên suốt là: “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Để thực hiện được nội dung đó, báo chí cách mạng phải có tính chiến đấu với tính cách là biểu hiện cao nhất của tính đảng, là bản chất, là tiêu chí cao nhất của báo chí cách mạng. Điều đó trước hết thể hiện ở đường lối chính trị của tờ báo. Báo chí thực chất là hoạt động chính trị, thông tin trên báo chí quan trọng nhất là thông tin chính trị. Theo Người, báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí đấu tranh cách mạng. Tính tư tưởng cách mạng của báo chí quyết định chất lượng, tác dụng của báo chí. Để bảo đảm tính tư tưởng, tính đảng của báo chí thì trong đó phải thể hiện được tính chiến đấu, tính giáo dục và tính quần chúng của báo chí. Người nói: “Đối với bản thân báo chí, bản thân người làm báo cũng phải có tính chiến đấu mới làm báo tốt được. Viết một bài báo mà loại được những yếu tố cá nhân cũng là một cuộc đấu tranh”.
Báo chí phải biểu thị rõ ràng sự nhiệt tình ủng hộ hay phản đối một quan điểm, một vấn đề, một sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nào đó khi trong xã hội còn đấu tranh giai cấp. Người khẳng định: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén - bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”.
Tất nhiên yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng là một cơ sở khác đương nhiên để Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ, chức năng của báo chí. Xã hội và cùng với nó là so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng luôn thay đổi, đòi hỏi Đảng phải tùy thuộc hoàn cảnh, điều kiện cụ thể để đưa ra các nhiệm vụ cho báo chí cách mạng. Muốn hoàn thành những nhiệm vụ của mình, báo chí cách mạng phải có những nguyên tắc chỉ đạo nhất quán của nó. Nguyên tắc đó là gì? Người khẳng định: “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì?”; “Vì ai mà viết? Mục đích viết làm gì?”. Những câu hỏi Người đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Việc xác định đó nhằm hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho nhà báo.
Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài ... Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. “Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động.
3. Sự vận dụng vào thực tiễn nền báo chí Việt Nam hiện đại
Trong bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều thay đổi, khi internet phổ biến toàn cầu, giao thông, liên lạc giữa các quốc gia ngày càng thuận tiện, biên giới thông tin truyền thống của mỗi quốc gia không còn nhiều rào cản, báo chí cách mạng về cơ bản đã vận dụng và thực hiện tốt những lời dạy của Người, từ việc lựa chọn sự kiện, góc độ thông tin, liều lượng và cách thức thông tin đến giải thích và bình luận về các sự kiện, vấn đề thời sự, đóng góp không nhỏ vào sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần ngăn chặn tình trạng nhiễu và loạn thông tin, loại bỏ những nguy cơ có thể gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề không chỉ cho đời sống xã hội mà thậm chí còn ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh dân tộc và chế độ chính trị của đất nước.
Tuy nhiên, trong xu thế thương mại hóa báo chí hiện nay, vì lợi nhuận, vì áp lực cạnh tranh, “chạy đua”, giành giật thông tin và bạn đọc nên hoạt động báo chí vẫn còn những yếu kém, khuyết điểm. Một số tờ báo đáp ứng được nhu cầu thông tin của đối tượng công chúng mà mình hướng đến. Tình trạng trùng lặp tin tức, hình ảnh là khá phổ biến trong khi mỗi tờ báo đều có những đặc thù riêng. Đặc biệt, nguyên tắc khách quan, trung thực chưa thực sự được bảo đảm triệt để. Đánh giá về hoạt động thông tin báo chí thời gian qua, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII nêu rõ: “Truyền thông đại chúng phát triển nhanh cả về loại hình, quy mô, lực lượng, phương tiện kỹ thuật và ảnh hưởng xã hội… nhưng hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận…”.
Đến nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có giá trị luôn vẹn nguyên giá trị nhưng trong từng cơ quan báo chí, từng bài viết cần có sự vận dụng sáng tạo và linh hoạt.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xã hội hóa thông tin hiện nay, mỗi bài báo dù viết về vấn đề đối nội hay đối ngoại, tiếp cận từ góc độ nào cũng đều có những tác động nhất định đến dư luận xã hội trong và ngoài nước. Do đó, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung và cả cách viết. Chỉ một sự thiếu cẩn trọng, cẩu thả khi viết có thể tác động xấu đến đời sống xã hội, phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và cạnh tranh với các tờ báo khác, báo chí cách mạng phải phản ánh nhanh chóng, kịp thời những vấn đề thời sự của đất nước, những vấn đề dư luận đang quan tâm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, yếu tố quyết định để độc giả trung thành và tin tưởng với một ấn phẩm báo chí, cơ quan báo chí là chất lượng thông tin. Đặc biệt, khi trình độ dân trí ngày càng cao, sự tác động đa chiều của hội nhập quốc tế, đòi hỏi báo chí phải thực sự giàu tri thức, mẫu mực về mọi mặt. Do đó, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết là bài học hàng đầu mà báo chí cần nghiêm khắc tuân thủ.
Những cuộc khủng hoảng thông tin gần đây cho thấy, dù báo chí chính thống đã nhanh chóng định hướng dư luận bằng những chứng cứ, lý lẽ xác đáng trước cơn bão thông tin đa chiều, nhưng vẫn còn đó những tòa soạn báo vị lợi, thiếu trách nhiệm, đạo đức cần có của người làm báo. Vì vậy, trong thời đại ngày nay, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò đi đầu, xung kích trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, hấp dẫn và sáng tạo nhưng phải chính xác, có độ tin cậy cao, chứ không phải thông tin thụ động, ngồi chờ hoặc đi theo sau hay chủ quan duy ý chí trong định hướng thông tin, làm chậm cơ hội chiếm lĩnh trận địa thông tin.
Đứng trước tình hình này, để vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình hoạt động của mình, nền báo chí Việt Nam hiện đại cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, báo chí cách mạng phải quán triệt trên thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nhân dân của báo chí cách mạng. Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Bởi lẽ, báo chí cách mạng phải là báo chí của Đảng, của quần chúng nhân dân, báo chí cách mạng phải “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, cái tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”. Phải thấm nhuần vào trong trái tim mình những căn dặn vô cùng sâu sắc của Hồ Chí Minh: “Nói tóm lại: để làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa”. Làm được những điều này là thực hiện tốt trên thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối báo chí cách mạng của Đảng.
Thứ hai, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra với báo chí “Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản”. Theo đó, “các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng nhân văn, tính khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân”. Ở đây, cần quán triệt tính nhân dân của báo chí cách mạng. Nghĩa là mọi hoạt động của báo chí cách mạng đều phải vì nhân dân phục vụ. Cho nên công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản cũng phải xuất phát từ mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc. Cần phải kiên quyết ngăn ngừa, khắc phục tình trạng thương mại hóa báo chí, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả.
Thứ ba, đội ngũ những người làm báo chí cách mạng phải không ngừng trau dồi nghiệp vụ báo chí và đạo đức cách mạng. Người làm báo không có nghiệp vụ báo chí cao thì dù thực tiễn đời sống của nhân dân có phong phú, đa dạng, có giàu xúc cảm đến đâu thì nhà báo cũng không thể phản ánh được chính cuộc sống của quần chúng nhân dân; khó mà phát hiện ra những điểm sáng từ trong quần chúng nhân dân để chắt lọc, nhân rộng thành những điển hình trên báo chí; càng khó mà phản ánh đúng được sự thật trong vô vàn những mảnh ghép thông tin nhiều, rối loạn. Nếu không có nghiệp vụ chuyên môn báo chí cao, người làm báo khó mà đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu chiết trung, ngụy biện cho cái xấu, cái ác, cái thấp hèn... Do vậy, những người làm báo cách mạng phải không ngừng học tập trau dồi chuyên môn nghiệp vụ báo chí. Đồng thời, họ cũng phải tăng cường trau dồi đạo đức cách mạng.
Thứ tư, phát huy vai trò gương mẫu tiên phong, tính tích cực của chính đội ngũ làm công tác báo chí. Chính họ chứ không ai hết là những người làm cho báo chí thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng. Những cán bộ làm công tác quản lý phải thực hiện đúng đường lối báo chí của Đảng, chính sách về báo chí của Nhà nước ta. Đội ngũ phóng viên, nhà báo sẵn sàng vượt khó vươn lên, gắn bó với đời sống nhân dân, phản ánh đúng những điểm sáng trong dân để nhân rộng điển hình, ca ngợi những hành vi mới sáng tạo, phù hợp chân - thiện - mỹ, có lợi cho nhân dân, cho Tổ quốc, đẩy lùi cái xấu.
Những giải pháp trên phải được thực hiện đồng bộ thì mới mang lại hiệu quả thiết thực trong việc quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tính nhân dân của báo chí cách mạng.
Sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh là di sản to lớn, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển nền báo chí cách mạng, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Người làm báo là để làm cách mạng, nhưng bằng sự say mê, nhiệt thành của một trái tim cộng sản cộng với tài năng thiên bẩm và bề dày văn hóa, Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà báo tầm vóc quốc tế, người thầy mẫu mực của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí và phong cách làm báo năng động, chuyên nghiệp, sâu sát đời sống của Người là hành trang quý giá cho các thế hệ nhà báo hôm nay học tập, để ngày càng vững vàng, sắc bén hơn trên mặt trận công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Lấy tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay, có thể thấy, những di sản báo chí của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
TS. Lương Quang Hiển
ThS. Bùi Xuân Hóa
Học viện Tài chính
Danh mục tài liệu tham khảo
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.187
- Hồ Chí Minh, Những bài bút chiến, Nxb. Thanh niên, H.2006, tr. 5
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Bài phát biểu tại Đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ 2, ngày 17-4-1959, Nxb. Chính trị quốc gia, t.9, tr. 423
- Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb Chính trị Quốc gia, H.2013, tr. 46.
- Văn kiện ĐHĐB Toàn quốc lần thứ XII, văn phòng Trung ương, H.2016; tr. 124.
Văn phòng Đảng ủy
Số lượt đọc: 6926