Làm sao để có một mật khẩu đủ an toàn
Thứ sáu, 28/12/2018 - 14:40
Sử dụng công cụ quản lý mật khẩu và kích hoạt xác thực đa nhân tố được đánh giá là hai cách hiệu quả để có mật khẩu an toàn.
Người dùng máy tính hầu như vẫn chưa có thói quen tốt và an toàn trong việc cài đặt mật khẩu. Họ không biết cách tạo và cũng không biết cách quản lý sao cho dễ dàng. Có người còn cho rằng một mật khẩu mạnh là sự kết hợp tùy ý những chữ cái, con số và ký tự. Các chuyên gia công nghệ cho biết có hai cách để cải thiện mức độ bảo mật của mật khẩu mà không gây ra bất kỳ sự bất tiện nào:
Dễ nhớ hơn cả những con số
Theo nhiều nhà chuyên môn, những cụm mật khẩu dễ nhớ là những mật khẩu dựa vào sự tập hợp của nhiều từ. Chúng an toàn hơn những mật khẩu đơn giản và dễ nhớ hơn mật khẩu số. Khi dùng những cách để thay thế cho mật khẩu đơn giản, những cụm mật khẩu này được đánh giá gần như không thể bị phá vỡ bởi hacker.
1. Hãy bắt đầu với một cụm từ đáng nhớ với bạn. Ví dụ: Sáu từ đầu tiên trong bài diễn văn nổi tiếng Gettysburg của Abraham Lincoln "Four score and 7 years ago" là một cụm mật khẩu đơn giản. Lời trích dẫn này thỏa mãn phần đông những tiêu chuẩn của mật khẩu: độ dài kí tự từ 8 - 32 và gồm có những chữ cái viết hoa và viết thường, ít nhất một con số, và một kí tự đặc biệt. (Có thể là đường gạch giữa - hoặc gạch dưới _ nếu những khoảng trắng không được cho phép).
2. Tăng tối đa sự khó hiểu. Tăng số lượng những con số và kí tự đặc biệt được sử dụng. Ví dụ: giảm bớt những chữ cái trong ví dụ trước để tạo thành: "4 $core @nd 7 Ye@rs ago".
3. Biến hóa một chút, nhưng đừng sao chép. Một cách đơn giản như gắn thêm một hậu tố dễ hiểu vào cuối mỗi cụm mật khẩu, bạn có thể tái sử dụng mật khẩu cũ mà không còn lo ngại phải sử dụng lặp lại y nguyên hoặc phải ghi nhớ một mật khẩu hoàn toàn mới. Với tài khoản Facebook, thử thêm "FB" vào cuối cụm mật khẩu, hoặc "IG" cho tài khoản Instagram.
Sử dụng công cụ quản lý mật khẩu
Một sự kết hợp tùy hứng những chữ cái, con số và ký tự tạo nên một mật khẩu an toàn, nhưng lại không dễ nhớ. Các chuyên gia khuyên dùng công cụ quản lý mật khẩu. Những công cụ này thường hoạt động như một chuỗi khóa đa nền tảng, không chỉ lưu mật khẩu, mà còn tạo mới mật khẩu khi cần.
Việc thiết lập có thể tốn nhiều thời gian, vì thông thường người dùng sẽ muốn thay đổi mật khẩu cũ một cách thủ công cho từng tài khoản và cho phép công cụ quản lý tạo một mật khẩu mới. Tuy nhiên, bù lại họ sẽ có được một mật khẩu an toàn cho mỗi một dịch vụ sử dụng chỉ bằng một lần đăng nhập chủ duy nhất. Công cụ quản lý mật khẩu có thể là một ứng dụng máy tính, phần plug-in mở rộng của trình duyệt hoặc ứng dụng điện thoại. Một trình quản lý tốt sẽ giúp tạo ra các mật khẩu mạnh một cách ngẫu nhiên và loại bỏ rủi ro có thể có trong việc lưu lại quá nhiều mật khẩu khác nhau.
Kích hoạt xác thực đa nhân tố
Nhiều môi trường bảo mật cao sẽ yêu cầu từ phía người dùng hai nhân tố xác thực khi đăng nhập, bao gồm những dịch vụ web (Google, Microsoft, iCloud), cổng thông tin bảo mật (dịch vụ ngân hàng và thanh toán hóa đơn), và Windows 10. Bằng việc kết hợp hai loại mật khẩu, mức độ bảo mật sẽ tăng theo hàm mũ. Không ít dịch vụ web sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, hoặc dùng một mã số được gửi thông qua tin nhắn đến một số điện thoại được đăng ký để xác minh cho mỗi lần đăng nhập. Windows Hello trên Windows 10 còn tận dụng những tính năng xác thực dựa trên phần cứng như là nhận diện khuôn mặt hoặc dấu vân tay để giúp người dùng dễ dàng chứng thực quyền đăng nhập.
Sử dụng mật khẩu đã không còn quá xa lạ. Cho dù bảo mật sinh trắc học đang ngày càng trở nên phổ biến, thì thực tế, mật khẩu vẫn là bước đầu tiên để xác minh nhận dạng số của người dùng. Vì thế, các nhà chuyên môn khuyên mọi người dùng hãy đảm bảo rằng không ai nắm biết mật khẩu của chính mình.
Các chuyên gia công nghệ khuyên người dùng cần tỉnh táo hơn để được bảo mật từ khi khởi động đến khi tắt máy.
Vnexpress.net
Số lượt đọc: 14675