(HVTC) - Sáng 09/01/2025, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức hội thảo khoa học trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Diễn biễn thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 dự báo 2025”. Hơn 200 đại biểu tham dự, gần 30 bài tham luận được chọn đăng trong kỷ yếu và có nhiều ý kiến với những nhận định khoa học, sắc bén của các đại biểu tham dự tại Hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 dự báo 2025”.
Tham dự hội thảo, về phía Học viện Tài chính có NGƯT. PGS. TS Nguyễn Đào Tùng, Ủy viên UB TƯ MTTQ VN, UV BCH Đảng bộ Bộ Tài chính, Giám đốc Học viện; PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện; TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính; PGS.TS Nguyễn Thị Hà – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính; cùng hơn 200 đại biểu đến dự trực tiếp và dự trực tuyến qua phần mềm Zoom meeting, các đại biểu là lãnh đạo các Ban, Khoa, Viện, Trung tâm thuộc Học viện Tài chính và đặc biệt hội thảo thu hút 25 cơ quan báo chí, truyền thông đến dự đưa tin về hội thảo.
Về phía Bộ Tài chính, có bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê; bà Vũ Hương Trà – Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá.
Đại diện các trường, có Đại học Kinh tế Quốc dân; Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính…;
Các chuyên gia kinh tế có sự tham dự của ông Ngô Trí Long, ông Nguyễn Ngọc Tuyến - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính; ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương…;
Đại diện đơn vị tài trợ có Ths. Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đinh Lê.
NGƯT. PGS. TS Nguyễn Đào Tùng - Ủy viên UB TƯ MTTQ VN, UV BCH Đảng bộ Bộ Tài chính, Giám đốc Học viện Tài chính
phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, NGƯT. PGS. TS Nguyễn Đào Tùng - Ủy viên UB TƯ MTTQ VN, UV BCH Đảng bộ Bộ Tài chính, Giám đốc Học viện đã nêu bức tranh kinh kế của thế giới và Việt Nam năm 2024 cũng như dự báo năm 2025. Theo đó, vào đầu năm 2024 không có nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng 5,66% trong quý I/2024. Kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức từ các các cuộc xung đột địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông, xu hướng gia tăng giá cước vận tải và đặc biệt là sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, từ quý II/2024 bức tranh kinh tế đã dần sáng hơn và sự phục hồi ấn tượng của xuất khẩu và sản suất công nghiệp đã giúp tăng trưởng GDP các quý sau có xu hướng cao hơn so với quý trước; lạm phát giảm dần. Đến cuối năm, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép với tăng trưởng GDP đạt mức 7,09% (vượt mục tiêu 6 – 6,5%), CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước, thấp hơn rất nhiều mức mục tiêu được Quốc Hội thông qua là 4 - 4,5%. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4 %.
NGƯT. PGS. TS Nguyễn Đào Tùng chỉ rõ nguyên nhân để có được kết quả này là do sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; Các chính sách như miễn, giảm, gia hạn thuế, hay giãn nợ, giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng... ; môi trường kinh tế thế giới cũng tương đối thuận lợi cho xuất khẩu với GDP toàn cầu ước tính tăng trưởng 3,2% trong năm 2024; mặt bằng lãi suất giảm nhờ các Ngân hàng Trung ương lớn nới lỏng tiền tệ, còn giá dầu tương đối ổn định... Những kết quả này cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá của Chính phủ điều hành đúng hướng và hiệu quả. NGƯT. PGS. TS Nguyễn Đào Tùng cũng nêu những triển vọng và khó khăn của kinh tế Việt Nam trong năm 2025: Trong năm 2025 nền kinh tế thế giới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 3,2%; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá các hàng hóa đầu vào sẽ giảm nhẹ. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5 – 7% trong năm 2025. Mặc dù vậy, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do tình trạng lãi suất cao kéo dài vẫn chưa thể loại bỏ. Ngoài ra, khả năng đồng USD tăng giá do tăng trưởng yếu tại EU, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn hiện hữu. Đây là những rủi ro không nhỏ đối với việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính và TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng phụ trách
Viện Kinh tế - Tài chính đồng chủ trì.
Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề chính trong hai phiên: (i) Phiên thứ nhất tập trung phân tích, thảo luận về diễn biến chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025; (ii) Phiên thứ hai tập trung phân tích, thảo luận về các thị trường cụ thể như thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường vàng, thị trường bất động sản, các thị trường hàng hóa cơ bản...
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính
Phát biểu về tính hình lạm phát, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Kinh tế - Tài cho biết tính trung bình trong giai đoạn 2015-2024, lạm phát chỉ ở mức 2,8%/năm (thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 10,2%/năm của giai đoạn 2005-2014). TS. Nguyễn Đức Độ dự báo CPI bình quân năm 2025 so với năm 2024 sẽ tăng ở mức khoảng 3,0% (+/- 0,5 điểm %). Lý do chính là bởi: (i) Năm 2024 cung tiền được kiểm soát ở mức 9,42%, thấp hơn nhiều mức trung bình của giai đoạn 2014-2023 (sẽ là yếu tố giúp kiểm soát lạm phát trong năm 2025); (ii) Năm 2024 lãi suất thực đang thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024 (mặc dù vẫn dương) và tốc độ tăng giá USD cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024 (sẽ là những yếu tố có thể gây áp lực lên giá cả trong thời gian tới); (iii) Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2% (tương đương năm 2024), còn tính trung bình giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào có xu hướng giảm nhẹ; (iv) Chính phủ có thể điều chỉnh giá dịch vụ trong nửa cuối năm 2025 làm cho lạm phát trung bình tăng lên…
Bà Vũ Hương Trà – Phó trưởng phòng chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá phát biểu
Theo bà Vũ Hương Trà – Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2025 là dự báo tình hình thế giới năm 2025, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, các nước sẽ có những điều chỉnh chính sách nhất định theo diễn biến của tình hình chung... Từ đó, sẽ tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới. Đồng thời là áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua. Tỷ giá giữa VND và USD vẫn ở mức cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, rủi ro thiên tai bão lũ, thời tiết bất lợi cho sản xuất, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp lễ, tết.
Trong năm 2025, quản lý giá, điều hành giá sẽ gặp những thách thức, áp lực đến từ thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như giá nhiên liệu, giá vật liệu xây dựng, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình; giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh... Bà Vũ Hương Trà cũng cho biết, sẽ có một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát….Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, việc quản lý, điều hành giá trong năm 2025 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát; tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý khi điều kiện cho phép và đẩy mạnh công tác tổ chức, thi hành hệ thống pháp luật về giá để đảm bảo các chính sách về quản lý giá bắt đầu có hiệu lực và hiệu quả từ 01/7/2024 theo Luật Giá năm 2023.
Bên cạnh đó, chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, phấn đấu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2025 theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
PGS, TS. Ngô Trí Long - chuyên gia Kinh tế phát biểu tại hội thảo
Theo PGS, TS. Ngô Trí Long - chuyên gia Kinh tế cho rằng, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý (dao động từ 3,5-4,5%). Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát giá cả. Trong đó, việc theo dõi sát sao và điều chỉnh chính sách kịp thời là cần thiết để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2025.
Ảnh V.6: TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phát biểu tại hội thảo
Dự báo dự báo về CPI năm 2025, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính chỉ rõ: dự báo CPI bình quân 2025 so với năm 2024 sẽ tăng ở mức khoảng 4,0%. Nguyên nhân chính là do: (i) Những khó khăn từ xung đột địa chính trị trên thế giới có thể bớt căng thẳng hơn sẽ tạo điều kiện cho kinh tế, thương mại phát triển, biến động giá sẽ ít bị tác động tiêu cực hơn; (ii) Kinh tế một số nước phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có khó khăn hơn, chi phí sản xuất và kinh doanh sẽ lớn và tác động làm tăng giá; (iii) Việc xắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước sẽ làm tăng chi từ NSNN và tác động làm tăng giá tiêu dùng; (iv) Nhiều dự án mới về hạ tầng được phê duyệt và khới công với số tiến vốn đầu tư rất lớn cũng sẽ là nguyên nhân làm tăng giá.v.v.
TS. Lê Quốc Phương, Nguyên PGĐ Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại - Bộ Công Thương phát biểu
TS. Lê Quốc Phương - nguyên PGĐ Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại, Bộ Công Thương, dự báo CPI bình quân 2025 so với năm 2024 sẽ tăng từ 4,2-4,5%. Lý do chính là bởi: (i) Lạm phát thấp 10 năm (2015-2024) tạo thuận lợi duy trì lạm phát thấp 2025; (ii) Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, cung hàng hoá dồi dào… giúp kiềm chế tăng giá; (iii) Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 được nâng từ 6,5-7,5% lên 8-10% sẽ tạo sức ép lên lạm phát; (iv) Giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng theo lộ trình, giá năng lượng (xăng dầu, điện, than) có thể tiếp tục tăng.
Bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê;
Bà Nguyễn Thị Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định, lạm phát thấp vì trong bối cảnh khó khăn, để duy trì cạnh cạnh, doanh nghiệp giảm lợi nhuận bằng cách không tăng giá hàng hóa. Bên cạnh đó, chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nên đã giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Ngoài ra, việc kiểm soát lạm phát phụ thuộc nhiều vào Chính phủ điều hành thận trọng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý; chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt.
Hội thảo cũng đã nghe các chuyên gia trình bày và trao đổi về các vấn đề như: diễn biến thị trường giá cả Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025; thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2024; Thị trường bất động sản công nghiệp ở Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025; Tình hình vay vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam và một số khuyến nghị...
PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu bế mạc hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính đánh giá rất cao các bài tham luận và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo. Cùng với gần 30 bài tham luận có giá trị về lý luận và thực tiễn được chọn đăng trong kỷ yếu Hội thảo, những ý kiến thảo luận tại Hội thảo là những căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để dự báo và đề xuất giải pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và nhưng năm tới.
Các báo cáo và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo được tổng hợp và lưu trữ tại Phòng Tổng hợp, Viện Kinh tế - Tài chính, số 179, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Hội thảo kết thúc vào hồi 12h00 cùng ngày.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng, Viện NC
Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu
Ths. Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đinh Lê phát biểu
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế phát biểu
Một số trang đưa tin về hội thảo:
https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/dien-bien-thi-truong-gia-ca-o-viet-nam-nam-2024-va-du-bao-nam-2025-810683
https://laodong.vn/kinh-doanh/du-bao-bat-ngo-ve-kich-ban-lam-phat-nam-2025-cua-viet-nam-1447577.ldo
https://kinhtedothi.vn/du-bao-lam-phat-nam-2025-trong-tam-kiem-soat.html
https://haiquanonline.com.vn/vi-sao-lam-phat-o-viet-nam-o-muc-thap-trong-10-nam-qua-193396.html
https://cand.com.vn/Kinh-te/du-bao-nhieu-ap-luc-len-lam-phat-nam-2025-i756012/
https://baomoi.com/lam-phat-tai-viet-nam-du-bao-duoc-kiem-soat-o-muc-tu-3-4-5-trong-nam-2025-c51204811.epi
https://diendandoanhnghiep.vn/lam-phat-nam-2025-kiem-soat-duoc-nhung-nhieu-thach-thuc-10148739.html
Viện Kinh tế - Tài chính
Số lượt đọc: 50