(HVTC) – Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Học viện Tài chính xin giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu về chặng đường lịch sử vẻ vang, hào hùng của quân đội ta “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Những hình ảnh tư liệu được giới thiệu dưới đây là minh chứng lịch sử sống động về sự phát triển không ngừng của quân đội nhân dân Việt Nam, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho QĐND Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập (22-12-1944 / 22-12-1964) và đó cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng:
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Ảnh Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Cách đây 80 năm, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tổ chức tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập, đánh dấu sự kiện trọng đại của cách mạng nước nhà. Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tại khu rừng giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện. Một Quân đội của dân, do dân, vì dân, mang bản chất giai cấp công nhân; chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.. Ngày 15-5-1945, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc Quân hợp nhất với tên gọi mới là Việt Nam Giải phóng quân.
Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân long trọng tuyên thệ 10 lời thề danh dự, trong đó lời thề thứ 9 nói về quan hệ quân- dân: Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: “không lấy của dân” - “không dọa nạt dân” - “không quấy nhiễu dân” và ba điều nên: “kính trọng dân” - “giúp đỡ dân” - “bảo vệ dân”, để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước.
Khi mới thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chính quy đầu tiên của Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ lực của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Chiến sỹ quyết tử Thủ đô dùng bom ba càng sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch
với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” (ảnh TTXVN)
Ngày 1/4/1953, báo Nhân Dân đăng bài “Con voi với con muỗi” của Bác (ký tên C.B), phê phán ý kiến của một nghị sĩ Pháp trong lúc đi thăm vùng tạm chiếm đã cho rằng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam giống như cuộc chiến tranh giữa con muỗi với con voi. Đảo ngược, Bác khẳng định quan điểm của mình bằng một câu ca: “Nay tuy châu chấu đấu voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta.
Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" tung bay bay trên nóc hầm Đờ Cát. Ảnh tư liệu TTXVN.
Năm 1975, khi thời cơ chiến lược xuất hiện, nhờ có nhân dân tích cực chuẩn bị chiến trường, phối hợp chiến đấu, quân đội có điều kiện tiến công thần tốc, thực hiện trận quyết chiến chiến lược trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Xe tăng của Quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn trong niềm vui hân hoan của nhân dân - Ảnh: Lâm Tấn Tài – TTXVN
Xe tăng của Lữ đoàn tăng - thiết giáp 203, quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975 - Ảnh: Trần Mai Hưởng – TTXVN
Anh Lê Văn Thức bị địch đày ra Côn Đảo và kết án tử hình, xúc động gặp
lại người mẹ thân yêu trong ngày vui chiến thắng - Ảnh: Lâm Hồng Long – TTXVN
Nhân dân tỉnh Ratanakiri (Campuchia) đón chào các lực lượng vũ trang cách mạng
Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam về giải phóng phum, sóc - Ảnh: TTXVN
Quân đội ta không chỉ đoàn kết, chiến đấu vì nhân dân, dân tộc Việt Nam, mà còn đoàn kết chiến đấu vì nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, nhất là nhân dân Lào và Campuchia, chống kẻ thù chung.
Các chiến sĩ quân y lên đường tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan - Ảnh: Tuoitreonline
Đầu tháng 6-2014, lần đầu tiên Việt Nam cử hai sĩ quan quân đội lên đường sang Nam Sudan tham gia lực lượng GGHB của Liên Hiệp Quốc tại Phái bộ Nam Sudan. Đến nay, Việt Nam đã cử nhiều sĩ quan đi theo hình thức cá nhân và một đội hình cấp đơn vị là Bệnh viện dã chiến.
Kíp xe Việt Nam vẫy cờ chào khán giả khi về đích kết thúc chặng đua
Ảnh: quandoinhandanonline
Chiều ngày 6/8/2019 (giờ địa phương), tại thao trường Alabino, ngoại ô thủ đô Moscow, Nga, kíp xe thứ 2 của đội tuyển xe tăng Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia Army Games 2019 giành ngôi đầu bảng với thành tích ấn tượng 31 phút 5 giây.
Ngày 4/9/2020 Lễ trao giải Cuộc thi “Xe tăng hành tiến” bảng 2 đã diễn ra trang trọng ở Công viên Patriot, ngoại ô thủ đô Moscow của Liên bang Nga. Các thành viên Đội tuyển xe tăng Việt Nam nâng cao Cúp vô địch.
Ảnh: quandoinhandanonline
Năm 2020, đội tuyển xe tăng Việt Nam về đích đầu tiên trong trận chung kết. Kết quả, đội tuyển của Việt Nam đã xuất sắc về vị trí thứ nhất với thành tích 2 giờ 12 phút 47 giây. Đội tuyển Xe tăng Việt Nam lần đầu tiên giành Huy chương vàng tại Army Games.
Lễ Xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4
lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Abyei và Nam Sudan.
Sáng ngày 27-4/2022 tại Hà Nội, Lễ Xuất quân Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (GGHB LHQ) tại Abyei và Nam Sudan. Kể từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc từ tháng 6-2014 đến nay, đây là lần đầu tiên chúng ta cử một lực lượng lớn tham gia - đội công binh lên tới 184 người và Bệnh viện dã chiến với 63 người.
Lực lượng quân đội tìm kiếm người mất tích do bão lũ ở Làng Nủ tháng 9/2024 (H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai)
Sáng 19/12/2024, tại sân bay Gia Lâm, HN đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Đây là Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - Mang thông điệp “Hòa bình - Hợp tác - Cùng phát triển” đến bạn bè quốc tế.
Trong phát biểu Khai mạc triển lãm, Thủ tướng chính Phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Trải qua nhiều đau thương, hy sinh và mất mát do chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của tình hữu nghị, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng "bốn không" - "không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".
Việt Nam chủ trương xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng tự vệ, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát. Việt Nam định hướng chiến lược phát triển nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại và hội nhập quốc tế; ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công nghiệp quốc phòng nhằm tối ưu hóa tính lưỡng dụng, vừa nâng cao tiềm lực quốc phòng, vừa phát triển kinh tế, phục vụ lợi ích chiến lược của đất nước và cho cuộc sống thiết thực của người dân.
80 năm qua, QĐND Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng và tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang là lực lượng từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, xứng đáng là niềm tự hào của Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên thế giới.
Ban CTCT&SV (Tổng hợp nguồn TTXVN, Báo điện tử ĐCS, quandoinhan danonline, tuoitreonline, dantri)
Số lượt đọc: 152