MENU

Học viện Tài chính chung tay tham mưu hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh mới

Thứ sáu, 13/12/2024 - 14:2
(HVTC) – Chiều ngày 11/12/2024, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Học viện Tài chính phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA: Thực trạng và giải pháp”. Có 39 bài báo được chọn đăng trong kỷ yếu Hội thảo. 06 bài tham luận được trình bày trực tiếp với nhiều ý kiến đóng góp và phản biện sâu sắc, hữu ích về lý luận và thực tiễn.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự hội thảo, về đại diện Lãnh đạo Học viện Tài chính có: NGƯT., PGS.TS. Trương Thị Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện và PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐ Học viện Tài chính;

NGƯT.PGS.,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan; NGƯT.PGS.,TS. Ngô Thanh Hoàng - Trưởng ban Quản lý khoa học; PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh - Trưởng khoa Tài chính quốc tế; TS. Trịnh Thanh Huyền – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế.

Đại diện Lãnh đạo Tổng cục Hải quan có: ThS. Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Đại diện Viện nghiên cứu Hải quan có ThS.Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Quan;

Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, lãnh đạo các Cục Hải quan địa phương; các đồng chí lãnh đạo các Khoa, Ban, Viện, Trung tâm của Học viện Tài chính cùng các nhà khoa học, đại biểu của các cơ quan như Viện kinh tế Việt Nam, Cục Kế hoạch Tài chính (Bộ Tài chính), Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Đại học Tài chính- Ngân hàng Hà Nội, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Đại học Công đoàn, Đại học VinUni,…

 PGS.,TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐ Học viện Tài chính phát biểu đề dẫn và khai mạc Hội thảo

Trong phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.,TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã nêu khái quát những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế của Việt Nam, nhờ vào chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do nhiều tầng. Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế có độ mở lớn với chỉ số kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP những năm gần đây luôn ở khoảng 200%.

PGS.,TS Nguyễn Mạnh Thiều nhấn mạnh, ngày 20/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 628/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Trong đó, một trong 6 yêu cầu và quan điểm phát triển Hải quan Việt Nam là “Phát triển Hải quan nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả; thực thi đầy đủ, toàn diện các cam kết quốc tế về thuế xuất nhập khẩu, hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam đã ký kết; ứng phó hiệu quả với các thay đổi liên quan tới các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Do đó, cần nghiên cứu đầy đủ bối cảnh trong nước và quốc tế có tác động đến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Từ đó, có biện pháp cụ thể hóa các phương hướng đã được xác định trong Chiến lược. FTA có tác động nhiều mặt đến hoạt động quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

PGS.,TS Nguyễn Mạnh Thiều cũng chỉ ra mục tiêu của Hội thảo: Học viện Tài chính là cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành Tài chính và Tổng cục Hải quan -  cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cùng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia. Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về những hướng tác động chính của quá trình thực thi FTA đến quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; có những đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn về các vấn đề liên quan; đề xuất các giải pháp đặt ra để cải cách chính sách thuế cũng như tổ chức quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu hoàn thiện chính sách và hoàn thiện hoạt động quản lý của cơ quan Hải quan.

PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều -  Phó Giám đốc HVTC và ThS. Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng

Tổng cục Hải quan đồng chủ trì phiên thứ nhất Hội thảo.

Hội thảo diễn ra qua 2 phiên, phiên thứ nhất với chủ đề “Bối cảnh thực thi các FTA và các tác động đến quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều -  Phó Giám đốc HVTC và ThS. Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đồng chủ trì.

NGƯT.PGS.,TS. Lê Xuân Trường -  Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, HVTC và ThS. Nguyễn Anh Tuấn -  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải quan, Tổng cục Hải quan đồng chủ trì phiên thứ 2 hội thảo

Phiên thứ hai có chủ đề: Thực trạng và giải pháp quản lý Thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA do NGƯT.PGS.,TS. Lê Xuân Trường-  Trưởng khoa Thuế và Hải quan, HVTC và ThS. Nguyễn Anh Tuấn -  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải quan, Tổng cục Hải quan đồng chủ trì.

 TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính trình bày báo cáo tham luận

Trong báo cáo tham luận với chủ đề “Tác động của thực thi các hiệp định thương mại tự do đến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam” do TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính trình bày đã phân tích bối cảnh thực thi các FTA và các tác động đến quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, Việt Nam đã từng bước mở rộng quan hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Báo cáo tham luận đã tập trung nghiên cứu và phân tích tác động của các FTA đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và quản lý thuế đối với hàng hóa này nói riêng; đưa ra các kiến nghị và giải pháp nhằm phát huy tối đa các cơ hội, giảm thiểu các thách thức, khó khăn, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA.

 ThS. Đào Thịnh Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan trình bày báo cáo tham luận

ThS. Đào Thịnh Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan trình bày báo cáo tham luận “Thực trạng quy định pháp luật về quản lý Thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do” đã nêu những tác động của FTA thế hệ mới là rất quan trọng, vừa góp phần tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định vĩ mô. Tuy vậy, việc thực hiện các cam kết FTA cũng đặt ra không ít thách thức cho thu NSNN từ hoạt động XNK. Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Hải quan. Trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện nay, Hải quan đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiện đại hóa, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tham luận đã làm rõ thêm các quy định về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA.

 TS. Lê Trung Sơn- Phó Trưởng phòng Cục Thuế xuất nhập khẩu – Tổng cục Hải quan trình bày tham luận

Trong phiên 2, TS. Lê Trung Sơn- Phó Trưởng phòng Cục Thuế xuất nhập khẩu – Tổng cục Hải quan trình bày tham luận “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong điều kiện thực thi các FTA” đã nêu khái quát những thuận lợi và khó khăn, thách thức khi Việt Nam triển khai thực thi các FTA trong quản lý thuế xuất nhập khẩu. Vấn đề giảm thuế quan xuất nhập khẩu theo quy định khi Việt Nam ký kết quốc tế cũng đem lại mặt thuận lợi và khó khăn cho Nhà nước. Kiểm soát xuất xứ hàng hóa và nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất nhập khẩu là những vấn đề không nhỏ. Phức tạp nhất là tình trạng gian lận thương mại.

 Ông Hồ Đức Anh - Phó Trưởng phòng, Cục Hải quan tỉnh Nghệ An trình bày báo cáo tham luận

Ông Hồ Đức Anh - Phó Trưởng phòng, Cục Hải quan tỉnh Nghệ An trình bày tham luận báo cáo: “Đẩy mạnh số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế xuất nhập khẩu” đã chỉ rõ: đẩy mạnh số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế xuất nhập khẩu là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thực thi các FTA. Nhờ vào việc tự động hóa quy trình kiểm tra, theo dõi giao dịch và xử lý dữ liệu lớn, cơ quan quản lý đã cải thiện hiệu quả quản lý, tăng cường minh bạch và giảm thiểu rủi ro gian lận thu; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; trao đổi thông tin nhanh chóng. Ngoài ra, cơ quan Hải quan phối hợp tốt hơn với các tổ chức quốc tế trong kiểm soát hàng hóa xuyên biên giới; thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế bền vững;

TS Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ Hải quan, Khoa Thuế và Hải quan,  Học viện Tài chính trình bày báo cáo tham luận

TS Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ Hải quan, Khoa Thuế và Hải quan,  Học viện Tài chính trình bày báo cáo tham luận: “Đổi mới quản lý Thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong điều kiện thực thi các FTA” đã chỉ rõ, đổi mới quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là yếu tố then chốt thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong bối cảnh thực thi các FTA. Chính sách thuế cần khuyến khích tái chế, tái sử dụng và sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm môi trường. Cải cách quản lý thuế giúp tối ưu hóa dòng chảy thương mại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cam kết trong FTA, đồng thời tạo động lực phát triển bền vững. Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo vệ môi trường.

HQ.24: Ông Đinh Việt Hùng - Phó Trưởng phòng Thuế XNK, Cục Hải quan TP Hà Nội trình bày báo cáo tham luận: “Thực trạng công tác quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cục Hải quan TP Hà Nội” đã nêu thực trạng quản lý thuế tại Cục Hải quan TP Hà Nội có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đa dạng nhất cả nước và chỉ ra những giải pháp để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý thuế từ kinh nghiệm của đơn vị.

Phiên 2 của hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận thực trạng hoạt động quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA thời gian qua và tập trung thảo luận các phương diện chính của hoạt động quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, như: Quản lý xuất xứ hàng hóa; quản lý trị giá hải quan; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hải quan; chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan; quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu…

Các tham luận trình bày tại 2 phiên hội thảo đều đưa ra các giải pháp có tính định hướng trong các chính sách của nhà nước; những giải pháp cụ thể để đảm bảo hiệu quả quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết về thuế quan, đấu tranh với các hành vi gian lận, trốn thuế...

  Giảng viên Thái Bùi Hải An, Học viện Tài chính phát biểu

Cũng tại Hội thảo, có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện về các vấn đề liên quan đến hiệu quả quản lý thuế, tính minh bạch và công khai trong ấn định thuế, hạn chế nợ thuế; miễn thuế, giảm thuế và các quy trình thực hiện; ứng phó với chuyển giá, gian lận nguồn gốc hàng hóa; hoàn thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế; cơ sở quản lý người nộp thuế; Rà soát cơ chế các chính sách; chuyển giá. Đặc biệt, hành vi chuyển tiền ra nước ngoài thông qua chuyển giá. Quản lý của Hải quan phải đảm bảo quản lý chéo, hạn chế tối đa chống chuyển giá, truy dấu vết nguồn gốc hàng hóa. Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, cấp bách, sẽ giải quyết những vấn đề khó khăn, mặt trái khi thực hiện các FTA.

ThS. Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan phát biểu tổng kết

Phát biểu bế mạc hội thảo, ThS. Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan đã đánh giá cao các báo cáo tham luận và những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo cũng như các bài báo đăng trong kỷ yếu. Theo đó, các bài tham luận và ý kiến đóng góp đã gợi mở rất nhiều vấn đề về tình hình thực hiện chính sách thuế, thủ tục về thuế, hải quan và những hoạt động của ngành hải quan trong hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đồng thời, cũng đưa ra những phân tích, đánh giá tình hình công tác quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình thực thi các FTA. Đây là những lý luận và kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện các quy định, luật quản lý thuế, hướng tới quản lý hiệu quả đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phòng chống gian lận thương mại trong bối cảnh thực thi các FTA, nhất là FTA mới. Có 39 bài viết đăng Kỷ yếu hội thảo. Các bài viết đã tập trung phân tích sâu về nội dung các FTA và tác động của việc thực thi các FTA đến kinh tế Việt Nam và đến hoạt động quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hội thảo còn đề xuất các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần rà soát sửa đổi các chính sách thuế phù hợp với các FTA và xu thế thuế hiện nay (kinh tế xanh, tuần hoàn); rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính

Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại: Đẩy mạnh chuyển đổi số; (số hóa hồ sơ thuế; số hóa quy trình...); tuyên truyền sâu rộng trong doanh nghiệp, cá nhân để tận dụng tối đa lợi ích của FTA; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực làm chủ công nghệ; tiếp tục đầu tư trang thiết bị các cơ quan quản lý (máy soi, camera).

Thứ ba, tập trung nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao công tác chống buôn lậu, gian lận (gian lận CO; gian lận hoàn thuế);

Thứ tư, phối hợp, trao đổi thông tin- xây dựng cơ sở dữ liệu để đối soát thông tin trong hệ thống quản lý hải quan và cá nhân, doanh nghiệp.

Hội thảo là diễn đàn để ngành Hải quan trao đổi, thảo luận tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hàng hóa, xuất nhập khẩu của cơ quan hải quan các cấp và góp phần tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Tài chính và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2020 – 2024.

Một số hình ảnh khác:

 Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo

 Thư ký Hội thảo

 Đại biểu tại hội thảo

Ban CTCT&SV

Số lượt đọc: 797


Trở về đầu trang