Chiều ngày 02/12/2024, thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học được giao năm 2024, Khoa TCDN đã tổ chức Hội thảo khoa học trong giáo viên với chủ đề “Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ở Việt Nam” tại Hội trường A1 – Học viện Tài chính.
Tham dự Hội thảo của Khoa, về phía Ban chủ nhiệm Khoa và Lãnh đạo các Bộ môn trong Khoa, có sự hiện diện của PGS.TS Vũ Văn Ninh - Bí thư Chi bộ, Trưởng Khoa TCDN; NGƯT.PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh - Phó Trưởng khoa TCDN, Trưởng Bộ môn TCDN; PGS.TS.Phạm Thị Thanh Hòa - Phó trưởng Bộ môn TCDN; TS.Đặng Phương Mai - Phó trưởng Bộ môn TCDN; TS. Trần Thị Thanh Hà - Phó trưởng Bộ môn ĐGTS; TS.Hoàng Thị Thu Hường - Phó trưởng Bộ môn PTTC, cùng toàn thể giảng viên của Khoa TCDN.
PGS.TS Vũ Văn Ninh - Trưởng Khoa TCDN phát biểu đề dẫn Hội thảo
Mở đầu với bài phát biểu đề dẫn Hội thảo đến từ PGS.TS Vũ Văn Ninh - Trưởng Khoa TCDN, Thầy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập và đổi mới mạnh mẽ. Thầy đề nghị các Đại biểu và Thầy cô giáo tập trung thảo luận các vấn đề xung quanh chủ đề của Hội thảo, từ việc làm rõ khái niệm và đặc điểm của vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp, các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nôi dung quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, kinh nghiệm quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới, đến mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giải pháp tăng cường quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thầy cũng mong muốn rằng, Hội thảo sẽ là một diễn đàn trao đổi sôi nổi, chia sẻ kiến thực và kinh nghiệm trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN ở VN.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Ban biên tập đã tuyển chọn được 35 bài viết chất lượng nhất để biên tập Kỷ yếu hội thảo, đây chính là kết quả nghiên cứu khoa học rất có giá trị của các Thầy cô giáo của Khoa TCDN.
PGS.TS Vũ Văn Ninh và PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh chủ trì Hội thảo Khoa học giáo viên
Sau phần phát biểu định hướng từ Trưởng Khoa, Hội thảo bước vào nội dung chính với các bài tham luận tâm huyết từ các nhóm nghiên cứu thuộc cả ba chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính, và Thẩm định giá & Kinh doanh bất động sản.
Mở đầu là bài tham luận “Luận bàn về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ở Việt Nam” của TS. Phạm Minh Đức. Bài tham luận đã chỉ ra được rằng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ lâu đã giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng vào phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, hiện nay DNNN đang phải đối mặt với không ít thách thức như hiệu quả hoạt động thấp, khả năng cạnh tranh yếu và sự thiếu linh hoạt trong việc ứng phó với thị trường thay đổi nhanh chóng. Những vấn đề này phần lớn xuất phát từ cơ chế quản lý còn lạc hậu, cùng với hệ thống pháp lý chưa đồng bộ. Để có thể phát triển bền vững và vươn lên trong nền kinh tế toàn cầu hóa, DNNN cần phải thực hiện các cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại, và thúc đẩy sự hợp tác với khu vực tư nhân, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả và khẳng định vị thế vững chắc trong nền kinh tế quốc dân.
TS. Phạm Minh Đức trình bày bài tham luận “Luận bàn về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại Doanh nghiệp ở Việt Nam”
Tiếp theo đó, TS. Bùi Thị Hà Linh trình bày bài tham luận “Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý vốn nhà nước tại Việt Nam”. Bài tham luận xoay quanh vấn đề quản lý vốn nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu này phân tích thực trạng minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý vốn nhà nước tại Việt Nam, đánh giá các thành tựu đạt được và những hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bằng cách diễn đạt mang tính thuyết phục và chính xác cao, thông qua bài nghiên cứu TS. Bùi Thị Hà Linh nhấn mạnh mặc dù đã có những cải tiến đáng kể trong việc xây dựng khung pháp lý và thực thi các quy định về minh bạch, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế trong việc công khai thông tin tài chính và trách nhiệm giải trình. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực quản lý và nâng cao nhận thức về vai trò của minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý vốn nhà nước. Những đề xuất này góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
TS. Bùi Thị Hà Linh trình bày bài tham luận tại Hội thảo
Nối tiếp chương trình, ThS. Nguyễn Thị Hà Linh và ThS. Chu Phạm Hương Quỳnh với bài tham luận “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Tác giả chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam đã có những cải cách đáng kể về minh bạch và tái cơ cấu doanh nghiệp, nhưng mô hình quản lý vốn nhà nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hiệu quả sử dụng vốn, chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế giám sát còn nhiều kẽ hở, sự phân tán và thiếu thống nhất trong quản lý vốn tại Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong giám sát và đánh giá. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp của Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, tác giả đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm hữu ích dành cho Việt Nam trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Bài tham luận đến từ nhóm tác giả ThS. Nguyễn Thị Hà Linh và ThS. Chu Phạm Hương Quỳnh
Đến với hội thảo khoa học kỳ này, TS. Hồ Quỳnh Anh và TS. Nguyễn Thu Hà trao đổi cùng các nhà khoa học chủ đề “SCIC và chiến lược đầu tư mới về vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp ở Việt Nam”. Bài tham luận đã bàn về nhiệm vụ của SCIC như quản lý vốn, thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp được triển khai bài bản và có tính hệ thống, khẳng định mô hình hoạt động của SCIC cũng là một thử nghiệm cho việc hoàn thiện chính sách của Việt Nam trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn và định giá doanh nghiệp và tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. SCIC đã nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua vai trò cổ đông, tái cơ cấu doanh nghiệp và xử lý những hạn chế còn tồn tại của các DNNN. Tác giả cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục phát triển SCIC để phát huy vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, đẩy mạnh tái cơ cấu và đầu tư vào các lĩnh vực mang lại hiệu quả cao, kỳ vọng SCIC sẽ chuyển đổi thành tổ chức tài chính chuyên nghiệp, gia tăng đầu tư vào các dự án chiến lược, tạo sức lan tỏa trong nền kinh tế.
TS. Nguyễn Thu Hà thay mặt nhóm trình bày bài tham luận
Tiếp theo là bài tham luận “Công cụ kiểm soát tài chính doanh nghiệp nhà nước” do TS. Ngô Thị Kim Hòa trình bày. Bài tham luận nhấn mạnh rằng kiểm soát tài chính doanh nghiệp là nhiệm vụ thiết yếu để giám sát, đánh giá và cải thiện hiệu quả hoạt động, nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Các công cụ kiểm soát, bao gồm kiểm toán tài chính (nội bộ và độc lập), báo cáo tài chính, chỉ tiêu tài chính, và hệ thống thông tin hỗ trợ, giúp phát hiện rủi ro và đưa ra giải pháp khắc phục. Đối với doanh nghiệp nhà nước, tăng cường kiểm soát tài chính nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong sử dụng vốn, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý. Việc hoàn thiện các công cụ này là cấp thiết, bao gồm cải tiến hệ thống kiểm toán nội bộ, chuẩn hóa báo cáo và chỉ tiêu tài chính, cũng như tăng cường lập kế hoạch và kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả lập kế hoạch và giám sát tài chính. Tổng kết lại, tác giả cho rằng cải thiện các công cụ kiểm soát tài chính là then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị của doanh nghiệp nhà nước.
TS. Ngô Thị Kim Hoà cùng bài tham luận “Công cụ kiểm soát tài chính doanh nghiệp nhà nước”
Bài tham luận “Bàn về phương thức giám sát trên cơ sở rủi ro đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước ở Việt Nam hiện nay” do TS. Hoàng Thị Thu Hường trình bày. Bài viết phân tích phương thức giám sát dựa trên rủi ro đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước tại Việt Nam. Tác giả chỉ ra rằng, công tác giám sát hiện nay còn hạn chế, chỉ tập trung vào giám sát tuân thủ mà thiếu dự đoán và ngăn ngừa rủi ro. Quản trị rủi ro cần được cải thiện để giúp DNNN nhận diện và xử lý rủi ro, từ đó tối ưu hóa hoạt động. Từ đó, tác giả kiến nghị bổ sung quy định về quản trị rủi ro, phát triển mô hình cảnh báo sớm và nâng cao năng lực cán bộ để nâng cao hiệu quả giám sát và bảo vệ vốn đầu tư nhà nước.
TS. Hoàng Thị Thu Hường tham luận tại Hội thảo
Để nhìn nhận rõ hơn về vai trò của định giá trong quá trình cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, TS Lâm Thị Thanh Huyền và Ths. Đặng Hoàng Linh đã mang tới hội thảo tham luận “Vai trò định giá doanh nghiệp trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở Việt Nam”. Bài tham luận nhấn mạnh vai trò thiết yếu của định giá doanh nghiệp trong quản lý vốn nhà nước, đặc biệt trong tái cấu trúc và cổ phần hóa DNNN. Định giá giúp xác định giá trị thực của vốn nhà nước, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời đảm bảo công bằng trong cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp định giá gặp nhiều thách thức, bao gồm khó khăn trong áp dụng pháp lý và thiếu thông tin tài chính chính xác. Tác giả đề xuất cần hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường minh bạch thông tin và nâng cao năng lực của tổ chức thẩm định giá để tối ưu hóa quy trình, phương pháp và kết quả định giá DN. Qua đó, định giá doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước và cần thiết phải có các biện pháp giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính khách quan và hiệu quả.
ThS. Đặng Hoàng Linh thay mặt nhóm trình bày bài tham luận
Nối tiếp chương trình là PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà cùng ThS. Nguyễn Thị Tuyết Mai với bài tham luận “Giải pháp tăng cường quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”. Bài tham luận đã nhận định, mặc dù DNNN có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, hoạt động còn kém hiệu quả. Nhóm tác giả cũng tập trung vào việc đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại DNNN. Nhóm tác giả khuyến nghị cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tăng cường quản lý và giám sát, công khai thông tin tài chính, và thực hiện thanh tra để xử lý sai phạm. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư vốn nhà nước. Cải cách pháp lý và áp dụng thông lệ quản trị quốc tế sẽ cải thiện hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển bền vững cho DNNN trong tương lai.
ThS. Nguyễn Thị Tuyết Mai trình bày bài tham luận của nhóm nghiên cứu
Kết thúc phần trình bày tham luận, các Thầy cô đã trực tiếp trao đổi, thảo luận rất sôi nổi, đặc biệt các Thầy cô cũng đã cập nhật nội dung mà BCH Trung ương Đảng vừa ra nghị quyết đó là “Kết thúc hoạt động của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các Bộ chuyên ngành và các cơ quan có liên quan”, đồng thời thảo luận sôi nổi về dự thảo sửa đổi Luật 69/2014/QH13 đang được thảo luận tại diễn đàn Quốc hội.
Tổng kết Hội thảo, PGS. TS.Đoàn Hương Quỳnh đã dành lời khen ngợi cho sự sâu sắc và tính thực tiễn của các bài tham luận năm nay. PGS.TS.Đoàn Hương Quỳnh đã đánh giá cao những góc nhìn đa chiều và các giải pháp cụ thể mà các nhóm nghiên cứu đưa ra, đặc biệt về việc hoàn thiện cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Cô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng . Sự tham gia của Nhà nước với vai trò là nhà đầu tư và điều tiết nền kinh tế không chỉ nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì các ngành, lĩnh vực thiết yếu, giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Hội thảo là bước đi quan trọng trong việc xây dựng một mô hình và thiết lập một hệ thống quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp một cách hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.
PGS.TS.Đoàn Hương Quỳnh – Phó trưởng Khoa tổng kết Hội thảo
Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội thảo khoa học của Khoa TCDN đã khép lại thành công trong không khí sôi nổi và đầy nhiệt huyết của tập thể giảng viên. Những ý kiến trao đổi thiết thực và giá trị tại Hội thảo đã tạo nên sự đồng thuận cao từ các đại biểu tham dự. Các bài tham luận không chỉ đánh giá chi tiết về thực trạng quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp ở Việt Nam mà còn đề xuất nhiều giải pháp hữu ích, bám sát thực tiễn. Hội thảo đã mang đến những góc nhìn sâu sắc, góp phần định hướng và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vốn nhà nước, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:
Quang cảnh hội thảo khoa học của Khoa TCDN
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các Nhà khoa học và Thầy cô giáo
PGS.TS. Bùi Văn Vần - Nguyên Trưởng khoa TCDN đóng góp ý kiến tại Hội thảo của Khoa
PGS.TS Phạm Thị Thanh Hoà - Phó trưởng bộ môn TCDN đóng góp ý kiến
TS. Vũ Đức Kiên - Giảng viên bộ môn PTTC phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Tập thể các Thầy cô giảng viên Khoa TCDN chụp hình lưu niệm
Sinh viên chăm chú nghe và học hỏi phần tham luận từ các thầy cô
Thầy cô Khoa TCDN cùng sinh viên vui mừng vì sự thành công của Hội thảo
Ban chủ nhiệm Khoa
Số lượt đọc: 3541