(HVTC) - Chiến thắng ngày 30/4/1975 đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, kết thúc hơn ba thập kỷ chiến tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam trong thời đại mới. Cuộc kháng chiến này đã chứng minh một chân lý giản dị nhưng sâu sắc: dân tộc Việt Nam, dù nhỏ bé về địa lý nhưng chưa bao giờ khuất phục trước bất kỳ thế lực ngoại bang nào khi độc lập, tự do bị xâm phạm.
1. Một cuộc chiến khốc liệt chưa từng có trong lịch sử hiện đại

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam (ảnh Tư liệu)
Cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc chiến tranh có quy mô lớn, cường độ cao và mức độ tàn phá nghiêm trọng chưa từng thấy ở Việt Nam trong thế kỷ XX. Đế quốc Mỹ – với tư cách là một siêu cường quân sự – đã huy động vào chiến trường Việt Nam những nguồn lực to lớn cả về người và của.
Theo Bộ Tư lệnh Công binh – Bộ Quốc phòng, Mỹ đã sử dụng khoảng 15,35 triệu tấn bom, đạn trong chiến tranh Việt Nam, trong đó có 7,85 triệu tấn được thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất. Lượng bom đạn này gấp 3,8 lần số lượng Mỹ sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên. Không chỉ có vậy, tỷ lệ bom đạn chưa nổ lên tới 5%, gây ra hậu quả nặng nề kéo dài nhiều thập kỷ sau chiến tranh.
Mỹ còn sử dụng 77 triệu lít chất diệt cỏ (95.000 tấn) và 338.000 tấn bom Napan, gây nên những thảm họa sinh thái và sức khỏe nghiêm trọng, trong đó hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam vẫn còn đang chịu di chứng đến ngày nay.
Trên phương diện nhân lực và vũ khí, Mỹ đã điều động 77% lực lượng lục quân, 66% thủy quân lục chiến, 40% hải quân và tổng cộng 6,5 triệu lượt binh sĩ sang Việt Nam. Hệ thống vũ khí hiện đại, đặc biệt là máy bay chiến lược B-52, được sử dụng rộng rãi, trong đó riêng chiến dịch Linebacker II cuối năm 1972 đã huy động 193 chiếc B-52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
2. Ý chí, niềm tin và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng – yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Trước âm mưu xâm lược và thủ đoạn chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ, Đảng ta đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn và kiên định. Ngay từ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong “Lời kêu gọi đồng bào và cán bộ, chiến sĩ cả nước” rằng: “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.
Hội nghị Trung ương 15 mở rộng (1959) và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960) đã xác định rõ phương hướng cách mạng ở hai miền. Khi Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược toàn diện, Trung ương Đảng kịp thời có những chỉ đạo chiến lược tại Hội nghị lần thứ 11 và 12 năm 1965, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.
3. Miền Bắc – Hậu phương lớn, pháo đài vững chắc
Miền Bắc Việt Nam không chỉ là căn cứ địa cách mạng mà còn là hậu phương chiến lược vững chắc về người và của cho miền Nam. Trong thời kỳ 1961–1965, miền Bắc đã hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, khôi phục và phát triển sản xuất, xây dựng nhiều phong trào thi đua yêu nước như “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,v.v.
Từ năm 1965, Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trong hai giai đoạn (1965–1968 và 1972–1973), 354.638 lượt máy bay Mỹ đã đánh phá miền Bắc, trong đó có 7.193 lượt B-52. Các mục tiêu bị tấn công bao gồm: 55,6% là đường giao thông, 28,1% là dân sự, 9,7% quân sự và 6,6% kinh tế. Tổng chi phí cho cuộc chiến tranh phá hoại này ước tính 11,35 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhân dân miền Bắc đã kiên cường vượt qua bom đạn, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. 3.200 máy bay Mỹ bị bắn rơi, 140 tàu chiến bị phá hủy, đặc biệt là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris.
4. Miền Nam – Tuyến đầu anh dũng, chiến lược sắc bén
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Nam từng bước đánh bại các chiến lược quân sự của Mỹ: từ “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” đến “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trên mọi mặt trận – quân sự, chính trị, ngoại giao – cách mạng miền Nam đã làm chủ thế chủ động và chuyển hóa thế cục có lợi cho ta.

Xe tăng quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
Sau Hiệp định Paris (1973), đế quốc Mỹ rút quân, cục diện chiến trường nghiêng hẳn về phía cách mạng. Nắm thời cơ lịch sử, từ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh được phát động. Sau 4 ngày tổng công kích, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập – mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước
5. Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Chiến thắng này đã đánh bại hoàn toàn chiến lược toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc tại Đông Nam Á, phá vỡ một mắc xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ toàn cầu của Mỹ; cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giải phóng và tạo thế và lực mới cho sự phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa, và đúng như Đại hội IV của Đảng (12/1976) khẳng định:“Chiến thắng chống Mỹ cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX và là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Tổng duyệt lễ duyệt binh kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử 30/4 tại TP. Hồ Chí Minh
Chiến thắng ngày 30/4/1975 là biểu tượng đỉnh cao của ý chí độc lập tự chủ, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là thắng lợi của niềm tin sắt đá vào chính nghĩa, vào con đường xã hội chủ nghĩa mà dân tộc đã lựa chọn.
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối, tinh thần đại thắng mùa xuân 1975 vẫn lan tỏa mạnh mẽ trong từng bước phát triển của đất nước. Với niềm tự hào đó, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức đảng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, đều có trách nhiệm kế thừa và phát huy tinh thần cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước hiện đại, hội nhập và bền vững.
Tại Học viện Tài chính – một trung tâm đào tạo hàng đầu về tài chính – kinh tế của cả nước, Đảng bộ Học viện Tài chính luôn khẳng định vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Học viện. Trải qua các kỳ đại hội, Đảng bộ đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và tinh thần đổi mới, sáng tạo gắn với yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Một trong những điểm nhấn là việc mở mới các ngành đào tạo tiên phong, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền tài chính quốc gia trong thời đại số hóa. Nhiều ngành học mới như Kinh tế chính trị tài chính, Tài chính số, Phân tích dữ liệu tài chính, Quản trị tài sản công đã ra đời, thể hiện sự nhạy bén, chủ động của Đảng bộ, Ban Giám đốc trong việc dẫn dắt chiến lược phát triển của Học viện, đồng thời thể hiện sự kết nối giữa lý luận và thực tiễn – giữa yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất mới và nhiệm vụ đổi mới nội dung đào tạo.
Hướng tới Đại hội Đảng bộ Học viện Tài chính lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025–2030, toàn Đảng bộ đang bước vào giai đoạn chuẩn bị tích cực, tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ để xây dựng văn kiện đại hội phản ánh đúng thực tiễn, đáp ứng đúng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đại hội tới sẽ không chỉ tổng kết những thành tựu của nhiệm kỳ VI mà còn định hướng tầm nhìn dài hạn đến năm 2030 và xa hơn nữa – xây dựng Học viện Tài chính trở thành cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chi bộ khoa LLCT
Số lượt đọc: 519