MENU

Học viện Tài chính triển khai xây dựng mở ngành đào tạo mới trình độ Đại học

Thứ hai, 30/12/2024 - 14:25
Ngày 18 tháng 12 vừa qua, tại Hội trường A1 – Học viện Tài chính số 58 Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Tiểu ban đề xuất báo cáo mở mới 12 ngành đào tạo trình độ Đại học.

Tham dự cuộc họp có các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện và các thành viên Tiểu ban đề xuất báo cáo mở mới 12 ngành đào tạo trình độ Đại học. PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Đào Tùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện chủ trì cuộc họp.

PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Đào Tùng- Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện chủ trì cuộc họp

Với sứ mệnh "Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học Tài chính - Kế toán chất lượng cao cho xã hội", cùng với vai trò, trách nhiệm của mình trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và tầm nhìn đến năm 2030, Học viện Tài chính sẽ trở thành 1 trong 5 cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán, Quản lý - Quản trị, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế…

 NGƯT. PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện phát biểu

Thời gian qua, Học viện không ngừng đổi mới tư duy, tạo ra nhiều bước thay đổi mới để thích ứng với yêu cầu của thời đại; làm mới, phát huy các Ngành, chương trình đào tạo truyền thống, có thế mạnh, không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ số, tạo ra thay đổi đột phá cả về nội dung, phương pháp và công nghệ đào tạo để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với các trường đại học trong nước và khu vực.

Cùng với các Ngành truyền thống của Học viện đang đào tạo như:

  1. Ngành Tài chính Ngân hàng
  2. Ngành Kế toán
  3. Ngành Quản trị kinh doanh
  4. Ngành Hệ thống thông tin quản lý
  5. Ngành Ngôn ngữ Anh
  6.  Ngành Kinh tế.

Học viện đã mạnh dạn xây dựng, mở 12 Ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và xu thế phát triển của thời đại:

  1. Ngành Toán kinh tế;
  2. Ngành Marketing;
  3. Ngành Quản lý công
  4. Ngành Luật
  5. Ngành Kinh doanh quốc tế
  6. Ngành Kinh tế chính trị
  7. Ngành Kiểm toán
  8. Ngành Khoa học dữ liệu
  9. Ngành Công nghệ thông tin
  10.  Ngành Bất động sản
  11. Ngành Bảo hiểm
  12.  Ngành Kinh tế đầu tư

Trong 12 ngành dự kiến mở, có một số Ngành phát triển từ chuyên ngành đã có Chương trình đào tạo (CTĐT), còn một số nhóm ngành chưa có CTĐT sẽ mở mới hoàn toàn.

Với chủ trương xây dựng CTĐT rút ngắn chỉ khoảng 120 tín chỉ (chưa kể học phần/môn học Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng) để sinh viên đăng ký học vượt có thể ra trường sau 3 đến 3,5 năm. Ngoài ra Học viện sẽ xem xét các học phần/môn học nào cần rút ngắn ở CTĐT sẵn có và xây dựng các học phần/môn học mới có nội dung về đổi mới sáng tạo, quyền con người, phát triển khoa học công nghệ… vào CTĐT.

Đây là bước chuyển mạnh mẽ trong toàn Học viện, và được sự đồng thuận, đoàn kết, quyết tâm cao của tất cả các cán bộ, giảng viên, dự kiến việc mở các Ngành, chương trình đào tạo mới của Học viện sẽ sớm hoàn thành để Học viện có tên Ngành, mã ngành, chỉ tiêu tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh… trong Đề án tuyển sinh Đại học năm 2025 sắp tới. Học viện phấn đấu sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, đóng góp to lớn hơn nữa cho ngành giáo dục và đào tạo cũng như cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; mãi xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Ban Quản lý đào tạo

Số lượt đọc: 331


Trở về đầu trang