MENU

Khoa Lý luận chính trị toạ đàm khoa học: “Quan hệ lôgic giữa các thành tố cấu thành hình thái kinh tế - xã hội”

Thứ hai, 11/11/2024 - 14:39
(HVTC) - Sáng 09/11/2024, tại trụ sở Học viện Tài chính số 69 Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, khoa Lý luận chính trị tổ chức toạ đàm khoa học “Quan hệ lôgic giữa các thành tố cấu thành hình thái kinh tế - xã hội”. NGƯT.PGS.TS.GVCC.Nguyễn Như Hải - Nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là diễn giả của tọa đàm.

Đại biểu tại Tọa đàm

Tham dự tọa đàm, về phía diễn giả khách mời, Toạ đàm khoa học có sự tham gia của NGƯT.PGS.TS.GVCC.Nguyễn Như Hải - Nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người có nhiều công trình nghiên cứu về lôgic học, triết học trong khoa học tự nhiên, phương pháp nghiên cứu và giảng dạy triết học.

Về phía Lãnh đạo Học viện, có NGƯT.PGS.TS Trương Thị Thuỷ - Phó Bí thư phụ trách Đảng uỷ, Phó giám đốc Học viện Tài chính.

Về phía đại biểu khách mời có sự hiện diện của PGS.TS.Vũ Thị Vinh - nguyên Trưởng khoa Lý luận chính trị, Học viện Tài chính; TS. Nguyễn Thị Hảo - nguyên chủ tịch Công đoàn khoa Lý luận chính trị, nguyên giảng viên chính Bộ môn Triết học Mác-Lênin; TS.Vũ Thị Thu Hương và TS.Đặng Thị Thu Giang - Phó Trưởng Bộ môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin; toàn thể giảng viên Bộ môn Triết học Mác - Lênin. Ngoài ra, toạ đàm còn có sự tham gia tổ chức và tham dự của các thành viên câu lạc bộ Lý luận trẻ (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Học viện Tài chính).

TS.Dương Quốc Quân - Trưởng Khoa Lý luận chính trị

Phát biểu khai mạc, TS.Dương Quốc Quân - Trưởng Khoa Lý luận chính trị, phụ trách Bộ môn Triết học Mác-Lênin đã nêu mục tiêu, ý nghĩa của tọa đàm và khẳng định: Học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội là nội dung quan trọng của chủ nghĩa duy vật lịch sử, là nền tảng của chủ nghĩa Mác –Lênin. Các Mác là người đầu tiên giải quyết một cách khoa học những vấn đề duy vật biện chứng về lịch sử; chỉ ra nguồn gốc, động lực bên trong của sự tồn tại, vận động, phát triển của xã hội thông qua hệ thống các quy luật khách quan của xã hội ở mọi thời kỳ. Vì tầm quan trọng của mình, nên Học thuyết Hình thái kinh tế-xã hội luôn là tâm điểm chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch kể từ khi ra đời cho tới nay. Đặc biệt, trước sự sụp đổ của Liên xô và các nước Đông Âu, sự phức tạp của tình hình quốc tế, của cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina hiện nay…. khiến có người cho rằng “Học thuyết Hình thái kinh tế-xã hội của Mác đã lỗi thời, các quốc gia đi theo nó đã và đang rơi vào sự cô độc, bế tắc, kìm hãm sự phát triển của dân tộc mình”, “Việt Nam phát triển bỏ qua giai đoạn phát triển của hình thái kinh tế Tư bản chủ nghĩa là không theo tiến trình lịch sử”, v.v. Vì vậy, nghiên cứu mối quan hệ logic giữa các thành tố cấu thành Hình thái kinh tế - xã hội là một yêu cầu cấp bách đặt ra về cả mặt lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Tọa đàm tập trung làm rõ bức tranh toàn cảnh về Học thuyết Hình thái kinh tế-xã hội, hiểu sâu sắc hơn về mỗi thành tố cấu thành và quan hệ logic giữa các thành tố cấu thành đó, đặc biệt hiểu sâu hơn quan hệ logic giữa các quy luật cơ bản của xã hội được trình bày trong Học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội. Từ đó, mỗi giảng viên cần xác định được phương pháp nghiên cứu và giảng dạy học thuyết này một cách phù hợp với từng đối tượng người học.

PGS.,TS.Nguyễn Như Hải trình bày tại tọa đàm

Tại Tọa đàm, PGS.,TS.Nguyễn Như Hải đã làm sâu sắc nhiều góc độ lý luận như: (1) Các tác phẩm kinh điển của Các Mác chứa đựng nội dung tư tưởng về Hình thái kinh tế - xã hội; (2) Giải thích nội hàm khái niệm “quan hệ logic”; (3) Chỉ ra các thành tố cấu thành Hình thái kinh tế-xã hội; (4) Xem xét quan hệ logic, sự tác động qua lại giữa các thành tố trong Hình thái kinh tế - xã hội; (5) Cung cấp sơ đồ toàn bộ các thành tố cấu thành Hình thái kinh tế - xã hội; (6) Chỉ ra quá trình vận động và phát triển của các Hình thái kinh tế-xã hội trong lịch sử và luận giải quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người là một quá trình lịch sử tự nhiên.

Cũng tại tọa đàm, các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên đã nêu các câu hỏi để cùng tham luận và trao đổi với diễn giả, đặc biệt là trao đổi làm rõ thêm vai trò của tri thức khoa học trong kiến trúc thượng tầng và vai trò của tri thức khoa học trong lực lượng sản xuất.

NGƯT.PGS.TS Trương Thị Thuỷ phát biểu tại Toạ đàm

Trao đổi tại buổi tọa đàm, PGS.,TS.Trương Thị Thủy đã đánh giá cao nội dung, ý nghĩa học thuật trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy của tọa đàm. PGS.,TS.Trương Thị Thủy nhấn mạnh: việc phân tích làm rõ khái niệm, đảm bảo tính đồng nhất trong quá trình sử dụng khái niệm là đặc biệt quan trọng; Tri thức khoa học phải thấm vào từng yếu tố của lực lượng sản xuất để làm tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo để phát triển lực lượng sản xuất là yêu cầu khách quan nhưng phải xuất phát từ nhu cầu của các đơn vị sản xuất kinh doanh, của các chủ thể trong nền kinh tế; Sắp xếp môn học trước, môn học sau cần đảm bảo logic của hệ thống kiến thức khoa học.

Tọa đàm đã đi sâu làm sáng rõ hơn nội dung “Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội”; góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, nghiệp vụ giảng dạy, kỹ năng học tập hiệu quả các môn khoa học lý luận chính trị của giảng viên và sinh viên tại Học viện Tài chính. Đây còn là diễn đàn khoa học kết nối giảng viên khoa Lý luận chính trị, Bộ môn Triết học Mác-Lênin Học viện Tài chính với các chuyên gia, các nhà khoa học chính trị của các cơ sở giáo dục đại học khác. Bên cạnh giá trị về chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy đạt được, tọa đàm còn góp phần khẳng định và bảo vệ giá trị khoa học của Học thuyết Hình thái kinh tế - xã hội, nội dung cốt lõi nhất trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta; bác bỏ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong việc phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, Nhân dân ta đã lựa chọn.

Sau phiên tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Như Hải đã viết tặng bài thơ:

HỌC VIỆN TÀI CHÍNH

Học viện Tài chính bây giờ

Khang trang, đồ sộ, khổng lồ đẹp thay

Các tòa nhà mới vừa xây

Sừng sững đứng giữa trời mây, gió ngàn

Nhà cao vừa đẹp, vừa sang

Vừa to, vừa mát đàng hoàng sáng tươi

Như bông hoa đứng giữa trời

Tô thêm sắc đẹp rạng ngời Thủ đô.

Một số hình ảnh khác:

 

 

Bộ môn Triết học Mác-Lênin, Khoa LLCT

Số lượt đọc: 742


Trở về đầu trang