Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thứ tư, 06/11/2024 - 15:42
Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được ban hành. Sau Hiến pháp 1946, đất nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.
Hiến pháp năm 1946
Chính vì vậy, ngày 09/11, ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013). Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Năm 2024 là năm thứ 11 cả nước thực hiện hưởng ứng “Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11”, thông qua các hoạt động hưởng ứng sẽ giúp nâng cao nhận thức và ý thức tượng tôn pháp luật trong toàn dân, khẳng định hơn nữa mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội.
Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hành động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.
Khẩu hiệu của Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024:
1. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là việc làm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
3. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
4. Đẩy mạnh truyền thông chính sách góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực thi pháp luật.
5. Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
6. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
7. Hiểu biết và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng, vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
8. Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp.
9. Tích cực cải cách hành chính, chuyển đổi số, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật góp phần giải phóng nguồn lực, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần đưa việc học tập, tìm hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật trở thành công việc tự thân, thói quen hằng ngày của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người dân, đồng thời tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội về tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, trở thành nhiệm vụ thường xuyên; nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng là để tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Văn phòng Học viện
Số lượt đọc: 46