MENU

An toàn giao thông- sinh mệnh trong tay mỗi người tham gia giao thông

Chủ nhật, 28/04/2024 - 15:11
(HVTC) – Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5/2024 kéo dài trong 05 ngày, là cơ hội cho mọi người đoàn tụ gia đình, quê hương hoặc tận hưởng những chuyến đi chơi, chuyến đi du lịch thú vị. Nhưng đây cũng là thời điểm áp lực giao thông tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Tuân thủ các quy định của Luật an toàn giao thông và có kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông cùng văn hóa giao thông là chìa khóa của an toàn giao thông.

Tai nạn giao thông và những con số báo động

Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra hơn 379.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124 .000 người, bị thương hơn 367.000 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 9.000 người chết, gần 30.000 người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. 

 Chị Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên hàng không) trước và sau khi bị tai nạn giao thông vào năm 2020 và phải mang thương tật 79%

 Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Đã uống rượu bia, tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông

Tác hại của rượu bia khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông không còn bàn cãi và đã được quy định trong Luật ATGT đường bộ. Những tác hại của nó được minh chứng bằng số liệu rất đau buồn trong thực tiễn. Báo cáo giải trình Chính phủ về một số nội dung lớn trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công An tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV đã chỉ rõ: từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023 số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia, (chiếm 51,28% đối với 7 nhóm tội danh như: Giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ).

Từ năm 2018 đến năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do tai nạn giao thông đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 381.269 lượt người (chiếm 13,9%). Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%). Như vậy, tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông đường bộ do có liên quan đến rượu, bia cao hơn tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não nói chung.

Việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.

Vì vậy, mỗi cần tuân thủ, đã uống rượu thì không điều khiển phương tiện giao thông.

Các nhà khoa học cũng như thực tiễn đã khẳng định, rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người đặc biệt là những người sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Những kỹ năng để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông

Thứ nhất, tăng cường chú ý khi chuyển làn đường 

Chuyển làn đường đột ngột hoặc không bật tín hiệu là một thói quen xấu phổ biến ở nhiều người tham gia giao thông đường bộ, nhất là những người thường xuyên di chuyển trong nội đô. Khi chuyển làn không sử dụng đèn tín hiệu hoặc chuyển làn đột ngột, rất dễ xảy ra va chạm với các phương tiện bên cạnh và phía sau do không thể nhận biết hoặc kịp thời chuyển hướng để điều hướng, tránh va chạm. Đặc biệt, lỗi này vi phạm khi điều khiển xe trên cao tốc, hậu quả rất nặng nề và khó lường trước.

Thứ 2, giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước

Lỗi đâm sau là lỗi phổ biến trong giao thông, xảy ra khi người điều khiển phương tiện đi trước phanh xe đột ngột. Như vậy, để giữ an toàn cho bản thân, người điều khiển phương tiện nên giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Thứ 3, không sử dụng điện thoại, màn hình giải trí khi lái xe

Trong khi điều khiển xe ô tô, xe máy khi tham gia giao thông, người điều khiển giao thông sử dụng điện thoại đều là vi phạm Luật ATGT, mặc dù các mẫu xe ô tô ngày nay đều kết nối điện thoại, đàm thoại rảnh tay hoặc sử dụng tai nghe không dây.  Việc làm này rất nguy hiểm, làm mất tập trung, dễ dẫn tới tai nạn. Ngoài ra, thói quen xem video trên màn hình giải trí của nhiều người khi lái xe ô tô cũng nguy hiểm tương tự như sử dụng điện thoại.

Thứ 4, tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường

Trên các cung đường đều được quy định làn đường dành riêng cho các loại phương tiện, nhiều người tham gia giao thông vẫn vô tư lấn làn, đi sai làn để thoát khỏi ùn tắc. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm, mà còn khiến cho tình trạng ùn tắc thêm tồi tệ.

Biển báo giao thông cũng thường bị người điều khiển phươmng tiện giao thông lãng quên, dẫn tới nhiều trường hợp như dừng đỗ xe sai quy định, vượt quá tốc độ cho phép, đi vào đường cấm, đường ngược chiều…

Thói quen không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông cũng khá phổ biến ở nhiều người,  hành vi này là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vụ tai nạn hoặc gây ùn tắc cục bộ giao thông.

Thứ 5, không lách vào những khe hở quá hẹp giữa hai xe

Ở nước ta, xe máy là phương tiện lưu thông chủ yếu, việc lách vào khe hở giữa hai xe để vượt lên là rất phổ biến. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện không nên lách vào những khe hở quá hẹp giữa hai xe, nhất là xe ô tô. Bởi khi lách vào khe hở này, hai xe hai bên mà khép vào sẽ gây ra tai nạn vô cùng thảm khốc và không thể có cách nào tránh được tai nạn ấy.

Thứ 6, sử dụng gương chiếu hậu, đèn tín hiệu và đèn pha đúng cách

Những trang thiết bị trên xe như gương chiếu hậu, đèn tín hiệu, đèn pha không phải tự nhiên mà có hay có chỉ để cho đẹp. Tất cả được thiết kế theo mục đích an toàn, tiện nghi cho người sử dụng của các hãng xe và sử dụng gương chiếu hậu, đèn tín hiệu và đèn pha đúng cách là điều quan trọng để giữ an toàn khi tham gia giao thông. Gương chiếu hậu có thể giúp người điều khiển quan sát được sau lưng và hai bên sườn, trong khi đó đèn tín hiệu giúp người điều khiển báo hiệu cho những người tham gia giao thông khác. Người điều khiển phương tiện cũng nên lưu ý cách sử dụng đèn chiếu gần và đèn chiếu xa (pha) cho đúng cách để tránh gây chói mắt cho những phương tiện đi ngược chiều.

Thứ 7, tránh đi vào điểm mù của xe ô tô cỡ lớn

90% tai nạn xảy ra với xe ô tô cỡ lớn là do người điều khiển phương tiện giao thông đi vào điểm mù của những xe ô tô cỡ lớn (như xe container, xe tải, xe đầu kéo, xe ben, xe khách đường dài…). Những điểm mù này được tạo ra do chỗ ngồi của người lái xe ô tô cỡ lớn bị che khuất tầm nhìn do cabin gây ra, khiến cho người lái xe cỡ lớn không thể quan sát được những vị trí này. Những điểm mù phổ biến của xe ô tô cỡ lớn bao gồm những vị trí sau:

Vị trí ngay trước đầu xe: Tại vị trí này, chỗ ngồi của người lái xe rất cao nên khó quan sát ngay đầu xe mình lái. Để tránh điểm mù này, người điều khiển các phương tiện giao thông khác không nên tạt ngang đầu xe ô tô cỡ lớn hoặc đi ngay trước đầu xe ô tô này.

Vị trí phía sau xe: Đây là vị trí bị khuất tầm nhìn nhất do xe ô tô cỡ lớn không có kính sau, khiến người lái xe không thể nhìn phía sau còn gương chiếu hậu chỉ nhìn được hai bên. Khi xe cỡ lớn phanh gấp hoặc lùi xe, vị trí này vô cùng nguy hiểm. Người điều khiển phương tiện khác không nên đi ngay sau xe ô tô cỡ lớn đề phòng rủi ro trên.

Vị trí hai bên đầu xe: Đây là vị trí nguy hiểm nhất, khi người lái xe nhìn qua gương chiếu hậu chỉ thấy được hông xe còn hai bên đầu xe hoàn toàn bị khuất tầm nhìn do người lái xe ngồi trên cao, đặc biệt là hông bên phải do người lái xe ngồi bên trái. Nhiều trường hợp hi hữu xảy ra khi xe ô tô cỡ lớn rẽ trái hoặc rẽ phải, do không quan sát được nên đã gây tai nạn giao thông. Người điều khiển phương tiện nên tránh đi vào điểm mù này, và cũng tránh vượt qua xe ô tô cỡ lớn khi đang ở ngã rẽ.
Thứ 8, lưu ý khi đi đường cao tốc 

Đường cao tốc là tuyến đường dài dành cho các phương tiện lưu thông giữa các tỉnh thành với tốc độ cao, bởi vậy nếu không lưu ý khi đi đường cao tốc thì sẽ có thể gặp những tai nạn thương tâm. Khi tham gia giao thông và di chuyển trên đường cao tốc, người điều khiển phương tiện nên lưu ý những điều sau đây:

Di chuyển với tốc độ yêu cầu trên đường cao tốc, không nhanh quá, không chậm quá;

Chú ý quan sát khi vào hoặc ra khỏi đường cao tốc, khi tới những ngã rẽ;

Đi đúng làn đường của mình, không chuyển làn đột ngột;

Khi vượt xe cần quan sát, sử dụng đèn tín hiệu và không đột ngột giảm tốc độ;

Không dừng, đỗ xe giữa đường.

Nhiều xe di chuyển làn trong cùng bên trái (làn đường có tốc độ tối đa 120km/h) chỉ với tốc độ 70-80km/h trên cao tốc. Việc này sẽ gây cản trở cho nhiều phương tiện khác, khi phải giảm tốc và chuyển làn để tránh xe di chuyển chậm. Và khi phải chuyển làn ở tốc độ cao thì nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ lớn hơn, cũng như hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Việc bám sát đuôi xe phía trước, không giữ khoảng cách an toàn cũng là thói quen của nhiều lái xe. Điều này diễn ra khá phổ biến trên đường tốc, mặc dù luôn được khuyến cáo giữ khoảng cách tối thiểu 100m với xe phía trước.

Thứ 9, nhường đường cho xe ưu tiên

Việc nhường đường cho xe ưu tiên không chỉ là tuân thủ theo đúng luật giao thông, bảo vệ an toàn cho bản thân và xe ưu tiên mà còn thể hiện ý thức cao, nhường đường để xe ưu tiên có thể làm nhiệm vụ kịp thời, đúng lúc.

Thứ 10, sang đường đúng cách

Một lưu ý dành cho người đi bộ là cần phải tuân thủ luật giao thông, đặc biệt là sang đường đúng cách để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người khác. Người đi bộ cần phải sang đường ở những nơi có vạch kẻ, biển báo dành cho người đi bộ, vạch kẻ ở ngã tư, hoặc cầu đi bộ, hầm đi bộ; đồng thời lưu ý khi sang đường phải quan sát hai bên, không đeo tai nghe hoặc dùng điện thoại. Trẻ con hoặc người già khi sang đường cần có người trưởng thành đưa sang.

Thứ 11. Tuân thủ quy tắc điều khiển phương tiện giao thông qua các vị trí giao cắt với đường sắt

1. Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt.

2. Phải chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang.

3. Khi có báo hiệu dừng (đèn đỏ sáng nháy, cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông kêu, chắn đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn), người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch “dừng xe”.

4. Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.

5. Đối với đường ngang biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở 2 phía, chỉ được đi qua đường ngang khi xét thấy an toàn và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.

Thứ 12, có văn hóa giao thông

Văn hóa giao thông là một hệ thống tổng hòa các quy chuẩn về mặt đạo đức, ý thức tự giác có vai trò chi phối và điều tiết toàn bộ quá trình tham gia giao thông của cá nhân và cộng đồng. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Văn hóa giao thông chính là hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.

Văn hóa giao thông là hệ thống các chuẩn mực trong hoạt động ứng xử của con người khi tham gia giao thông hoặc các hoạt động có liên quan đến giao thông; các quy chuẩn về cơ sở vật chất phục vụ giao thông theo quy định của pháp luật, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và tính nhân văn được cộng đồng thừa nhận.

 Văn hóa giao thông giúp cho người tham gia giao thông nâng cao thức tự giác và chi phối trực tiếp hành vi chấp hành Luật Giao thông; văn hóa giao thông là động lực thúc đẩy ý thức và hành động ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; văn hóa giao thông duy trì, kiểm soát ý thức tôn trọng người tham gia giao thông, giúp đỡ, nhường nhịn trẻ em người già, người tàn tật trong suốt quá trình tham gia giao thông. Với những vai trò đó, văn hóa giao thông đảm bảo cho hoạt động giao thông đường bộ được diễn ra một cách trật tự và an toàn.

Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động, như vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi liên tục, bật đèn pha trong phố, đi ngược chiều… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh..

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông hiện nay là do ý thức và văn hóa của người tham gia giao thông chưa cao. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa giao thông là một trong những biện pháp hạn chế tai nạn giao thông quan trọng, cấp thiết.

Ban CTCT&SV

Số lượt đọc: 1157


Trở về đầu trang