MENU

Hội thảo khoa học giáo viên Khoa Tài chính quốc tế năm 2023 với chủ đề: “Phát triển sản phẩm công nghệ tài chính hỗ trợ hoạt động thương mại quốc tế” thành công tốt đẹp

Thứ ba, 30/05/2023 - 6:54
Hướng tới kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính, thực hiện kế hoạch công tác năm 2023 nhằm thực hiện chủ trương gắn kết giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sáng ngày 24/5/2023, Khoa Tài chính quốc tế đã tổ chức thành công hội thảo với chủ đề “ Phát triển sản phẩm công nghệ tài chính hỗ trợ hoạt động thương mại quốc tế”. Hội thảo được tổ chức với mục đích thảo luận, thống nhất những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển công nghệ tài chính nhằm hỗ trợ cho hoạt động thương mại quốc tế, đồng thời gợi ý các giải pháp để phát triển hơn nữa các sản phẩm công nghệ tài chính phù hợp với thị trường Việt Nam để có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động thương mại quốc tế cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tham gia buổi hội thảo khoa học của Khoa có đại biểu khách mời: GS.TS. Chúc Anh Tú - Trưởng Ban Khảo thí và Quản lý chất lượng.

Về phía Ban chủ nhiệm khoa và lãnh đạo các bộ môn khoa Tài chính quốc tế có: PGS.TS. Vũ Duy Vĩnh - Bí thư chi bộ, phó trưởng khoa, phụ trách khoa TCQT, trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, TS. Lê Thanh Hà - phó trưởng khoa TCQT, trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, TS. Vũ Việt Ninh - trưởng bộ môn TCQT,  cùng toàn thể các giảng viên khoa TCQT.

Toàn cảnh hội thảo

Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tiến Thuận - nguyên trưởng khoa TCQT trình bày tham luận với chủ đề "Phát triển công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam - nhận thức và giải pháp". Fintech đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với việc phát triển thị trường tài chính, ngân hàng. Fintech làm thay đổi cách thức thực hiện các chức năng của hệ thống tài chính nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Fintech tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tài chính bao quát toàn diện, tạo cơ hội tăng doanh thu và hiệu quả kinh doanh của các định chế tài chính. Bên cạnh đó, thị trường tài chính đang thay đổi do các công ty Fintech định hình lại nhu cầu thị trường.

PGS. TS. Nguyễn Tiến Thuận trình bày tham luận

TS. Lê Thanh Hà với bài tham luận  chủ đề "Thanh toán quốc tế theo hình thức L/C Upas và đòi hỏi của sự đa dạng hoá tài trợ thương mại". Theo cô, L/C Upas hiện đang được rất nhiều ngân hàng trong nước và quốc tế giới thiệu tới khách hàng. Hình thức thanh toán L/C Upas góp phần đa dạng hoá các sản phẩm tài trợ thương mại hợp tác ngân hàng quốc tế, bắt kịp xu hướng sản phẩm thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại mới trên thị trường bên cạnh các sản phẩm tài trợ truyền thông, góp phần đa dạng hoá sự lựa chọn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng sử dụng trong thanh toán xuất nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh phát triển của nền tảng khoa học công nghệ như ngày nay ứng dụng vào lĩnh vực ngân hàng nói chung và thanh toán nói riêng.

TS. Lê Thanh Hà phát biểu tại hội thảo

Fintech liên quan đến việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để cung cấp các dịch vụ tài chính như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng di động, phân tích dữ liệu lớn, blockchain hoặc công nghệ sổ cái phân tán (DLT). Fintech có khả năng nâng cao, biến đổi hoặc tậm chí là phá vỡ các mô hình kinh doanh truyền thống, các ứng dụng, giám sát hoặc cách thức phát triển, phân phối sản phẩm. Đó là quan điểm được đưa ra trong bài tham luận của TS. Vũ Việt Ninh.

TS. Vũ Việt Ninh phát biểu tại hội thảo

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định: Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn đến sự bùng nổ về công nghệ thông tin, các giao dịch thương mại kéo theo sự gia tăng của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, trong đó có dịch vụ thanh toán điện tử.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phát biểu tại hội thảo

Theo TS. Phan Tiến Nam, ứng dụng blockchain trong tài chính hay lĩnh vực ngân hàng còn trong giai đoạn ban đầu và ở mức công nghệ nhiều hơn là thương mại hoá, đòi hỏi có nhiều thời gian. Do đó, để có thể thành công triển khai ứng dụng blockchain tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, các bên tham gia liên quan, trong đó có các NHTM nên có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống, đồng thời có chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực để theo kịp tốc độ phát triển trong lĩnh vực này.

TS. Phan Tiến Nam phát biểu tại hội thảo

Các thầy cô trong khoa tích cực trao đổi sôi nổi để thấy được vài trò của fintech và việc ứng dụng fintech hiện nay tại các NHTM nói chung và  ở Việt Nam nói riêng, bên cạnh đó các thầy cô cũng đề xuất một số giải pháp để góp phần phát triển các sản phẩm công nghệ tài chính góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới.

GS. TS. Chúc Anh Tú phát biểu tại hội thảo

Các nhà khoa học tham dự hội thảo trao đổi rất sôi nổi không chỉ về khía cạnh chuyên môn mà cả vấn đề đào tạo về công nghệ tài chính trong các trường Đại học, Học viện cũng có nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết .

TS. Cao Phương Thảo phát biểu tại hội thảo

ThS. Phí Thị Thu Hương phát biểu tại hội thảo

Hội thảo đã tổng kết một số vấn đề lý luận về công nghệ tài chính, đặc biệt là phân tích sâu sắc những cơ hội, thách thức đối với việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ tài chính trong nền kinh tế nói chung, đặc biệt là ứng dụng trong việc hỗ trợ hoạt động thương mại quốc tế nói riêng ở Việt Nam.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo đã đề xuất được nhiều giải pháp có giá trị, nhất là những giải pháp phát triển phẩm công nghệ tài chính hỗ trợ hoạt động thương mại quốc tế và những giải pháp liên quan đến đào tạo ở các trường khối kinh tế tài chính trong bối cảnh công nghệ tài chính phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Hội thảo đã khép lại nhưng lại mở ra nhiều chủ đề nghiên cứu mới, thú vị cho những lần hội thảo tiếp theo.

Một số hình ảnh khác tại hội thảo:

                                                                            

Khoa Tài chính quốc tế

Số lượt đọc: 867


Trở về đầu trang