MENU

Đảng bộ Học viện Tài chính - Những mốc son lịch sử (Phần 2)

Thứ năm, 11/06/2020 - 10:35

Đáp ứng yêu cầu mới  trong giai đoạn cả nước đi lên Chủ nghĩa Xã hội (1975-1985)

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 nước ta chuyển sang giai đoạn mới, Đất nước được thống nhất Bắc – Nam sum họp, chủ trương của Đảng và Nhà nước là nhanh chóng khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN ở miền Bắc, tiến hành cải tạo XHCN ở miền Nam.

Để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của đất nước đặt ra cần phải nhanh chóng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế giỏi, đặc biệt là cán bộ quản lý tài chính ngân hàng. Được phép của Thủ tướng Chính phủ tháng 9 năm 1976 Bộ Tài chính đã quyết định cho Trường thành lập cơ sở II ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đào tạo bồi dưỡng cán bộ tài chính kế toán có trình độ đại học cho các tỉnh phía Nam.

Bảng tin tuyên truyền 20 năm thành lập trường tại cơ sở 2 TP HCM

Cơ sở II được thành lập lúc đầu có nhiều khó khăn, đội ngũ giáo viên ít, cơ sở vật chất còn thiếu. Song với sự cố gắng của trường, được sự giúp đỡ của Bộ Tài chính sau 1 năm chuẩn bị Trường đã chiêu sinh khóa đầu tiên với 300 sinh viên. Việc triển khai giảng dạy ở cơ sở II lúc đầu chủ yếu là giáo viên được cử từ Hà Nội vào, một số khác từ Bộ Tài chính chuyển đến, một số giáo viên được mời từ các trường bạn ở thành phố Hồ Chí Minh (giáo viên dạy Toán, Ngoại ngữ). Cơ sở II dần dần đã được ổn định phát triển tiếp tục đi vào thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng, quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng có tất cả các hệ: Dài hạn tập trung, tại chức, chuyên tu, bồi dưỡng. Vì thế ảnh hưởng đào tạo của cơ sở II đã đưa đến vị thế nhất định cho sự nghiệp đào tạo của trường.

Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế ngày càng được mở rộng trên phạm vi cả nước đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế phải được tăng cường cả số lượng và chất lượng, ngày 27 tháng 10 năm 1976 Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 226/CP đổi tên trường từ trường: Cán bộ Tài chính Kế toán Ngân hàng Trung ương, thành trường Đại học Tài chính - Kế toán trực thuộc Bộ Tài chính.

Đại hội Đảng bộ lần thứ V được tổ chức năm tháng 8/1976 tại Phúc Yên – Vĩnh Phú, hội nghị BCHĐB lần thứ nhất ngày 10/8/1976 đã bầu Đ/c Trần Thế Xuân được giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.

Tại Đại hội lần V (8/1976) đã khẳng định: “Trong giai đoạn cách mạng mới đưa cả nước tiến lên CNXH, công cuộc xây dựng kinh tế nổi lên hàng đầu rất rộng lớn và phức tạp, yêu cầu chấn chỉnh tổ chức sản xuất, đưa quản lý kinh tế vào nề nếp... Do đó nhu cầu về cán bộ quản lý kinh tế tài chính trở lên cấp bách... Để đáp ứng nhu cầu đó, nhà trường phải phấn đấu nâng cao trình độ và năng lực công tác, khai thác mọi tiềm năng của từng người và của các tổ chức trong trường, nhằm đảm bảo việc mở rộng quy mô đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu của cả nước, đồng thời phấn đấu nâng cao một bước chất lượng đào tạo đẩy nhanh nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực cho việc tăng cường quản lý kinh tế”. (Trích Báo cáo Đảng bộ lần thứ V trang 14).

Đại hội Đảng bộ lần thứ VI được tổ chức tháng 11/1980 tại Phúc Yên – Vĩnh Phú, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ nhất Khóa VI ngày 03/12/1980, Hội nghị đã bầu  đ/c Nguyễn Phố giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.

Đại hội đã nhận định: “Về tổ chức và cán bộ tuy có được bổ sung và củng cố một bước nhưng còn chắp vá, chưa được kiện toàn đúng mức, chưa phát huy đầy đủ năng lực và tổ chức hiện có” (Trích Nghị quyết Đại hội 6 trang 1).

Để ổn định cơ cấu tổ chức trước hết phải rà soát lại bộ máy hiện có, từ đó từng bước điều chỉnh cho phù hợp với quy mô đào tạo; sau nhiều lần cải cách trường được tổ chức thành 5 khoa đó là: Khoa Tài chính ngân sách; Khoa Tài chính các ngành kinh tế quốc dân; Khoa Kế toán các ngành kinh tế quốc dân; Khoa Cao đẳng và Khoa Tại chức. Có 8 bộ môn trực thuộc Ban giám hiệu gồm: Bộ môn Mác - Lênin, Bộ môn Kinh tế kỹ thuật, Toán, Ngoại ngữ, Thống kê - Kế hoạch, Tài chính - Tín dụng, Thể dục và Bộ môn Quân sự. Ngoài các khoa và bộ môn còn có 15 phòng ban trực thuộc Ban giám hiệu. Cùng với quá trình sắp xếp lại các khoa, bộ môn, bộ máy lãnh đạo cũng được bổ sung và củng cố lại đó là những dấu ấn quan trọng trong đại hội 6 của Đảng bộ nhà trường.

Đại Hội lần thứ VII được tổ chức vào tháng 11/1982, ngày 01/12/1982 tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, Đ/c Nguyễn Phố tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng uỷ.

Tại thời điểu đầu của nhiệm kỳ năm học 1982-1983 kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường (1963-1983) nhân dịp này nhà trường đã vinh dự được Hội đồng Nhà nước - Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 335/KTHĐBT tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3 cho trường Đại học Tài chính - Kế toán và Đảng bộ trường cũng được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Đại hội lần thứ VIII được tổ chức vào tháng 2/1985 phiên chính thức của Đại hội được tổ chức tại Hội trường gác II nhà ăn của trường tại Phúc Yên – Vĩnh Phú, Đại hội đã bầu ra BCH gồm 17 đ/c; Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, Đ/c Mai Văn Thiệu  được bầu làm Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 1985-1986.

Hoà nhập cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước (1986 - 1996)

Năm 1986 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc: Đảng và Nhà nước quyết định đổi mới toàn diện để đưa đất nước phát triển đi lên. Với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ, nói đúng sự thật, tôn trọng và hành động theo đúng quy luật khách quan, đã tạo ra bước chuyển biến căn bản chi phối mọi mặt của đời sống xã hội đất nước”. Lịch sử đã sang trang và cùng với nó là cơ chế quản lý kinh tế theo mô hình tập trung quan liêu đã dần được thay thế bằng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Đón nhận những quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước cùng 3 chương trình cải cách giáo dục đào tạo đại học của Bộ và ngành trong điều kiện nhà trường gặp không ít khó khăn: Cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu, đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng cùng những bất cập lớn không dễ gì giải quyết một sớm một chiều.

Đại hội Đảng bộ lần thứ IX được tổ chức vào tháng 10/1987 và hội nghị BCH Đảng bộ lần thứ nhất, ngày 29/10/1987 tại hội nghị này đồng chí Mai Văn Thiệu tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.

Đại hội đã xác định mục tiêu chung là: “Ra sức phát huy ưu điểm và khả năng vốn có của Đảng bộ, đoàn kết khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, với tinh thần: “dám nghĩ, dám làm, chủ động trong mọi công việc được giao”, đối với sinh viên “phải tiếp tục nội dung giáo dục cộng sản theo tinh thần cải cách giáo dục, xác định mục đích, động cơ đúng đắn và trách nhiệm cao trong rèn luyện, học tập và công tác”.

Bước vào năm học 1987-1988, với tinh thần “những việc cần làm ngay”, lập thành tích kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường, Đảng bộ khoá IX đã vạch ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện tốt các chủ trương, trong đó nâng cao chất lượng đào tạo là trọng tâm. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị này, Đảng uỷ, Ban giám hiệu đã kiểm tra, rà soát lại công tác tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, sắp xếp cân đối và sử dụng lao động hợp lý, tăng cường bồi dưỡng, lập quy hoạch cán bộ. Đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý nội dung, mục tiêu chương trình đào tạo (dài hạn, ngắn hạn) phù hợp mục tiêu và chuyên ngành theo tinh thần của đổi mới, năm học này trường cũng đã được đổi tên thành Trường Đại Học Tài chính Kế toán – Hà Nội.

Đại hội Đảng bộ lần thứ X diễn ra trong hai ngày 11,12/4/1990 tại Phúc Yên – Vĩnh Phú. Đại hội xác định mục tiêu, phương hướng: “Phát huy những ưu điểm thuận lợi, truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của trường, phấn đấu đạt danh hiệu Đảng bộ vững mạnh”. Đại hội đã bầu ra BCH Đảng bộ gồm 15 đồng chí. Ngày 03/5/1990 tại Hội nghị BCH Đảng bộ lần thứ nhất, Đ/c Mai Văn Thiệu tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn thể cán bộ, Đảng viên, giáo viên, sinh viên, chống lại những tư tưởng thù địch, nâng cao cảnh giác, khắc phục những sai lệch trong nhận thức, hành động...Cùng với công tác tổ chức, nhà trường tiếp tục đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở thêm chuyên ngành đào tạo cán bộ quản lý kho bạc và thuế Nhà nước. Cùng năm này trường tiếp nhận cơ sở mới ở Đông Ngạc (huyện Từ Liêm- TP. Hà Nội), làm cho nhà trường càng gặp khó khăn và phân tán. Tình hình đó buộc lãnh đạo nhà trường phải nhanh chóng hình thành bộ máy quản lý cơ sở II (Đông Ngạc) tiếp quản, chuẩn bị xây dựng cơ bản, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển trường dần về Hà Nội.

Nắm bắt tình hình của đất nước, của bộ, ngành, Đảng uỷ, BGH nhà trường đã bổ sung, hoàn thiện công tác tổ chức, công tác cán bộ, khắc phục khó khăn để mở rộng quy mô, đáp ứng chất lượng, hiệu quả của đào tạo. Nhà trường đã dùng “vốn tự có” để tuyển dụng và tăng cường đội ngũ, khuyến khích giảng kiêm môn, kiêm chức, chủ động đáp ứng yêu cầu của đất nước.

Ngày 01/3/1992, Đại hội Đảng bộ trường lần thứ XI được triệu tập với phương hướng chung là: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ vững mạnh về mọi mặt, phát huy triệt để những ưu điểm, lợi thế, ra sức khắc phục khó khăn trong bước trưởng thành, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của trường trong tình hình mới... Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng bộ trên tất cả các mặt hoạt động...”. Đại hội đã bầu BCH gồm 15 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất BCHĐB, Đ/c Lê Văn Ái được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhanh chóng được quán triệt sâu rộng trong các cấp chính quyền đoàn thể và từng cán bộ, giáo viên cùng nhân viên trong toàn trường đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi lập thành tích kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường (1963-1993). Trước mắt là tập trung vốn để xây dựng và hoàn thiện từng bước chắc chắn các công trình tại cơ sở II; khởi công xây dựng nhà liên hợp 5 tầng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 1993 đúng dịp kỷ niệm thành lập trường, đồng thời tiếp tục củng cố và trang bị thêm cơ sở vật chất, các thiết bị, phương tiện ở Phúc Yên - Vĩnh Phúc.

Đại hội Đảng bộ Trường ĐH Tài chính – Kế toán Hà Nội lần thứ XII được tổ chức tại Hội trường B3. Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ lần thứ XII, nhiệm kỳ 1996-1999 gồm 15 Đ/c. Tại hội nghị BCH Đảng bộ lần thứ nhất, Đ/c Lê Văn Ái tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, nhiệm kỳ 1996-1999.Với tinh thần dân chủ, công khai và đánh giá đúng sự thật, những mặt được và chưa được trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Đại hội đã rút ra một số bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng, công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học, công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, vạch ra phương hướng nhiệm vụ chung của toàn Đảng bộ trong nhiệm kỳ XII là: “Củng cố và hoàn thiện tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Khẩn trương ổn định cơ sở vật chất, đổi mới toàn diện các mặt hoạt động của nhà trường theo hướng kế hoạch hoá, quy chế hoá, từng bước chính quy hoá, hiện đại hoá quy trình đào tạo, đưa sự nghiệp của nhà trường ngang tầm với nhiệm kỳ mới. Nhiệm vụ cụ thể của Đảng bộ trong nhiệm kỳ XII được xác định trên tất cả các mặt: Giữ vững ổn định tình hình chính trị tư tưởng trong nhà trường; đổi mới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhiệm vụ chính trị của nhà trường đối với các tổ chức quần chúng; đổi mới công tác xây dựng Đảng bộ... Đại hội xác định nhiệm vụ nhiệm kỳ XII của Đảng bộ rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng bộ, từ quần chúng cho đến Đảng viên, từ hệ thống Đảng, chính quyền đến hệ thống các tổ chức quần chúng với tinh thần dân chủ, kỷ cương, đổi mới, đoàn kết vươn lên thực hiện có kết quả những phương hướng mà Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ XII đã quyết nghị.

Ban tuyên giáo Văn thể Công đoàn Học viện

Số lượt đọc: 5935


Trở về đầu trang