MENU

Thông tin về những kết luận mới của luận án tiến sĩ Bùi Hữu Phú

Thứ sáu, 25/12/2020 - 8:7
1. Đề tài luận án: "Giải pháp tài chính phát triển bền vững các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc".

2. Chuyên ngành:       Tài chính-Ngân hàng                Mã số: 9.34.02.01

3. Họ và tên NCS: Bùi Hữu Phú

4. Họ và tên cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS, TS. Nguyễn Văn Phúc và TS. Nguyễn Xuân Điền

5. Những kết luận mới của luận án:

Nghiên cứu kinh nghiệm một số tỉnh ở Việt Nam, luận án rút ra 5 bài học cho Vĩnh Phúc: Một là, cần tận dụng đến mức tối đa các nguồn lực, thực hiện các giải pháp tài chính phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Hai là, cần có sự điều hành tập trung, thống nhất để các nguồn lực phát huy cao nhất tác động của chúng đối với sự phát triển bền vững các KCN. Ba là, phải sử dụng những công cụ, thực hiện những giải pháp này một cách khoa học. Bốn là, các giải pháp tài chính nhằm phát triển bền vững các KCN được đặt trong tổng thể các biện pháp phát triển kinh tế- xã hội. Năm là, các giải pháp tài chính phải được triển khai trong khuôn khổ pháp luật và chính sách chung nhưng cần có sự linh hoạt và mềm dẻo khi vận dụng các quy định chung.

Luận án đã phân tích thực trạng phát triển bền vững các KCN và việc thực hiện các giải pháp tài chính của Nhà nước đối với các KCN ở Tỉnh (sử dụng các công cụ thuế, phí và lệ phí, chi ngân sách nhà nước, tín dụng và hỗ trợ tín dụng) cũng như các giải pháp của các nhà đầu tư sơ cấp vào các KCN trên địa bàn (đảm bảo nguồn vốn tối ưu, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã huy động được, tạo lập và sử dụng các quỹ dự phòng rủi ro trong sản xuất kinh doanh, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ tài chính đề xử lý các vấn đề liên quan tới người lao động, thiết kế chính sách giá và phí phù hợp, đảm bảo tài chính để hoàn thành dự án trung tâm xử lý nước thải, chất thải công nghiệp cho toàn khu, đảm bảo nguồn lực tài chính để cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ cho các DN thứ cấp) và đi đến kết luận rằng Vĩnh Phúc đã có nhiều thành công (địa phương đã thực hiện theo đúng chủ trương và chính sách của nhà nước; đã hướng dẫn, tạo điều kiện để các DN thực hiện theo các chính sách đã ban hành; cơ sở hạ tầng cho phát triển các KCN được quan tâm chú trọng, có chất lượng tốt so với các địa phương khác trong vùng và trên cả nước; các giải pháp tài chính của nhà nước cho phát triển KCN cũng khá đồng bộ), nhưng cũng có những hạn chế (các giải pháp tài chính của tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng nguyên bản chính sách của nhà nước mà chưa tạo được sự khác biệt và còn nghèo nàn, chưa đa dạng; chưa mạnh dạn sử dụng công cụ chi NS, các công trình, hạng mục đầu tư từ ngân sách đã được chú trọng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu và việc hỗ trợ tín dụng chưa phát huy hiệu quả tốt).

Những quan điểm cần quán triệt khi vận dụng các giải pháp tài chính để phát triển bền vững các khu công nghiệp Vĩnh Phúc là: i) bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của Tỉnh; ii) ưu tiên nâng cao năng lực khoa học- công nghệ của các DN; iii) phát triển và mở rộng quan hệ liên kết giữa các DN trong các KCN của Vĩnh Phúc với nhau và với các DN khác ở Việt Nam, đồng thời củng cố vị thế của các DN trong KCN Vĩnh Phúc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; iv) không ngừng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các KCN cũng như các DN trong các KCN của Tỉnh và v) cần nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý các KCN. 

Luận án đã đề xuất với các cơ quan Nhà nước Vĩnh Phúc 5 giải pháp: Đề xuất Nhà nước điều chỉnh chính sách thuế theo hướng giảm tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục đối với thuế xuất nhập khẩu; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho các KCN, đa dạng hóa các nguồn thu và sử dụng tập trung ngân sách để tăng đầu tư cho các khu công nghiệp; hoàn thiện cơ chế phân bổ ngân sách và sử dụng ngân sách địa phương dành cho các chu công nghiệp một cách tập trung, có hiệu quả; đề nghị nhà nước hoàn thiện và vận dụng một cách linh hoạt chính sách tín dụng ưu đãi từ nguồn Nhà nước và các nguồn mà Nhà nước có thể tác động (kể cả ODA và FDI) để các DN thuộc các khu công nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng.

Với các doanh nghiệp, 4 giải pháp được đề xuất là: Tăng vốn chủ sở hữu, lựa chọn nguồn vốn tín dụng tối ưu nhằm đảm bảo đúng tiến độ, đầy đủ hạng mục và quy mô đầu tư; chia sẻ nguồn lực tài chính với các đối tác kinh doanh; Trích lập quỹ phòng ngừa rủi ro của doanh nghiệp; Tạo lập và sử dụng có hiệu quả quỹ bảo vệ môi trường.

Luận án kết luận: Các khu công nghiệp Vĩnh Phúc còn có tiềm năng lớn để phát triển bền vững, nhưng các chủ thể liên quan cần chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp trên một cách linh hoạt, sáng tạo và đồng bộ./.

Tải Thông tin về những kết luận mới của luận án tiến sĩ Bùi Hữu Phú bản tiếng Anh

Tải Tóm tắt luận án tiến sĩ Bùi Hữu Phú bản tiếng Việt

Tải Tóm tắt luận án tiến sĩ Bùi Hữu Phú bản tiếng Anh

Số lượt đọc: 826


Trở về đầu trang