MENU

Vì sao ta chiến thắng ở trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954

Thứ sáu, 07/05/2021 - 17:0
(HVTC) - Cách nay 67 năm, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với 56 ngày đêm đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Cùng nhìn lại lịch sử để hiểu vì sao ta chiến thắng.

 Phải tiến hành cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của một cường quốc có tiềm lực hơn ta gấp nhiều lần là một thử thách cực kỳ to lớn với dân tộc Việt Nam.Với một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu như nước ta, vừa mới giành được độc lập với muôn vàn khó khăn chồng chất, chúng ta sẽ tiến hành cuộc kháng chiến như thế nào, lấy đâu sức mạnh để đánh giặc?

Trong suốt 9 năm kháng chiến,Quân đội Viễn chinh Pháp luôn chiếm ưu thế hơn hẳn so với Quân đội nhân dân Việt Nam về các loại phương tiện vũ khí chiến tranh hiện đại như xe tăng, đại bác, đặc biệt chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân.

Quân đội Pháp được trang bị hiện đại

Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược vĩ đại của quân dân ta với thực dân pháp và tay sai, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) của quân và dân ta. Chiến thắng đó không chỉ là về quân sự, tài thao lược của nghệ thuật quân sự mà còn là kết quả từ tầng sâu văn hóa của một dân tộc có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến và tầm cao trí tuệ.  Sức mạnh của toàn dân là yếu tố đặc biệt quan trọng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Sức mạnh văn hóa - nhân tố cốt lõi của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đánh giặc bằng sức mạnh văn hóa là nét độc đáo có một không hai trên thế giới của dân tộc ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ ngoài thắng lợi của đường lối chỉ đạo chiến lược, về tổ chức hoạt động quân sự, tài thao lược của nghệ thuật quân sự thì vấn đề cơ bản, cốt lõi là từ sức mạnh văn hóa dân tộc. Sức mạnh văn hóa ấy được kế thừa từ truyền thống văn hóa quân sự rất phong phú của dân tộc, tồn tại như một dòng chảy liên tục từ truyền thống tới hiện đại. Những quan điểm, tư tưởng, triết lý quân sự, triết lý giữ nước của dân tộc ta được đúc kết trong lịch sử, như “phải giữ nước từ khi nước chưa nguy”, “khoan thư sức dân, sâu rễ bền gốc”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”… thể hiện rõ sức mạnh văn hóa dân tộc trong chiến tranh. Đến thời đại Hồ Chí Minh, sức mạnh văn hóa tiếp tục được nhân lên với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”… phản ánh giá trị văn hóa và sức mạnh văn hóa dân tộc rất sâu sắc. Những giá trị đó đã trở thành chuẩn mực, truyền thống và phẩm chất của người Việt Nam, là nhân tố quan trọng xây dựng bản lĩnh và nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo nên bản sắc quân sự độc đáo của quân đội ta.

"Binh chủng xe đạp thồ” trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tiếp nối truyền thống đánh giặc của dân tộc, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với chiến thắng Điện Biên Phủ là hội tụ, kết tinh toàn bộ giá trị, những nhân tố tạo nên sức mạnh văn hóa dân tộc Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, vai trò sức mạnh văn hóa dân tộc Việt Nam vô cùng to lớn. Chúng ta đã huy động được tối đa những tiềm năng sức mạnh vật chất và tinh thần; huy động sức người, sức của, thực hiện “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”; kế thừa và phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng căm thù giặc, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu thắng lợi; kế thừa nghệ thuật quân sự đánh giặc độc đáo, sáng tạo, mang đậm bản sắc dân tộc, hình thành và phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Chính những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là nền tảng vững chắc, là động lực chính trị, tinh thần - một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để quân và dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch.

Quân ta mở đường ra trận

Đó chính là sức mạnh của tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng.

 Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng," tính chung trong chiến dịch, nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.”

 Nhiều nơi do địch đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào đồng ý giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị tự thu hoạch rồi sau ghi sổ lại.

 Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho chiến dịch như vậy.

Quân ta kéo pháo ra trận

 Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ đầy gian khổ, hi sinh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu hiện cao đẹp của tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của dân tộc ta. Đó là một động lực tinh thần to lớn trong hoạt động quân sự của quân và dân ta, biểu hiện ở lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm chiến đấu tới cùng, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ để giành thắng lợi. Trong thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi các cấp ủy và cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 11-5-1954, nêu rõ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng rất lớn của quân và dân ta từ trước đến nay,… Bộ đội trên Mặt trận Điện Biên Phủ đã quyết tâm tiêu diệt địch, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu. Bộ đội và dân quân du kích trên chiến trường toàn quốc đã liên tục hoạt động phối hợp. Cán bộ và chiến sĩ trong và ngoài Đảng đã trên dưới một lòng hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dân đã tích cực tham gia kháng chiến, hăng hái phục vụ tiền tuyến, đi dân công”.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 đến 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Mỗi đoàn xe thồ có một xe chuyên chở phụ tùng thay thế, sửa chữa dọc đường. chiếc xe đạp của chiến sĩ dân công Ma Văn Thắng (đoàn Phú Thọ, có chuyến chở 325 kg hàng, gấp 13 lần một người gồng gánh) từng giữ kỷ lục trong một chuyến chở lương thực phục vụ tiền tuyến - một con số khủng khiếp đối với một người nông dân nhỏ bé và chiếc xe đạp thồ đơn sơ. Trong một lần chở hàng đến ngã ba Nghĩa Lộ, xe của ông đã bị kiểm tra đột xuất với khối lượng hàng hóa trên xe là 325 kg. Kỷ lục này được Ban chi viện chiến dịch xác nhận, biểu dương rộng rãi trên toàn mặt trận. 

Kết thúc chiến dịch, đoàn xe đạp thồ T20 Phú Thọ đã vận chuyển được 85 tấn hàng cho mặt trận, vượt chỉ tiêu 15%, được tặng thưởng lá cờ "Nông Lâm Quốc tế". Riêng ông Thắng đã vận chuyển được 3.700 kg hàng hóa trên tổng chiều dài 2.100 km đường rừng núi và chiếc xe ông sử dụng để phục vụ chiến dịch đã trở thành chiếc xe đạp thồ có năng suất cao nhất chiến dịch. Với thành tích nổi bật này, ông Thắng đã được Ban Chỉ huy chiến dịch và Ban Cung cấp mặt trận tặng thưởng hai bằng khen, một Huân chương Chiến công hạng Ba. Hiện chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2.

Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở khối liên minh công - nông trở thành “vũ khí” mạnh nhất của nhân dân ta; bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam. Đó chính là thắng lợi của lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng, đức hy sinh, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang Việt Nam trước những thử thách khắc nghiệt, tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng quân xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung son sắt giữa quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương, sự đoàn kết, giúp đỡ to lớn của các nước anh em, bạn bè quốc tế.

Năm 1993, khi sang thăm Việt Nam, đến thăm lại chiến trường cũ Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp M. Bigeard, nguyên Trung tá, Phó chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói với một nhà quay phim nước ngoài: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”. Còn Tướng Christian de Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp về thất bại Điện Biên Phủ năm 1954 rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.

Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điên Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, bước trưởng thành tác chiến vượt bậc của quân đội ta.

Điện Biên Phủ đã được Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm, với sự đầu tư xây dựng, trang bị hiện đại và được các chuyên gia quân sự Pháp, Mỹ đánh giá là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “mồ chôn của Việt Minh”. Nhưng kết cục, đây trở thành mồ chôn chính chúng.

 Trong thắng lợi đó, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua những quyết định về chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch; kịp thời thay đổi phương châm tác chiến - yếu tố có ý nghĩa trực tiếp quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ. nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn; lựa chọn mục tiêu tác chiến phù hợp, có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi.

 Diễn biến của chiến dịch đã thể hiện bước trưởng thành vượt bậc về tác chiến của quân đội ta. Quyết tâm chuyển đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định lịch sử đúng đắn, sáng tạo, một minh chứng về tài quân sự, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và lòng dũng cảm của vị Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như sự đồng lòng của toàn dân ta. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc chuẩn bị lại chiến dịch với muôn vàn khó khăn, từ thế trận bố trí lực lượng đến nhu cầu hậu cần tăng lên gấp nhiều lần, song Quân đội nhân dân Việt Nam quyết tâm thực hiện và đã thực hiện thành công với một nỗ lực rất lớn.

Trong hầu hết các chiến dịch trước, bộ đội ta quen đánh theo lối đánh du kích, đánh vào ban đêm có địa hình ẩn náu, nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ lại là chiến dịch công phá một Tập đoàn cứ điểm mạnh, một “Pháo đài bất khả xâm phạm”. Quân đội nhân dân Việt Nam phải chiến đấu trong một thời gian dài, đánh cả đêm lẫn ngày, trên một địa hình bằng phẳng, trơ trọi kéo dài từ Mường Thanh đến Hồng Cúm, dưới sự uy hiếp thường xuyên của không quân và pháo binh của đối phương.

Thực hiện phương châm tác chiến “Đánh chắc, tiến chắc” với chiến thuật “vây hãm kết hợp tiến công”, Bộ Chỉ huy mặt trận đã chủ trương: Phải xây dựng “trận địa tiến công và bao vây”, một hình thức tác chiến hết sức độc đáo và mới mẻ, chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Để đối phó với các cứ điểm phòng ngự kiên cố của Pháp, quân ta đã thực hiện chiến thuật “vây lấn” bằng cách đào các giao thông hào thành một hệ thống siết chặt. Hệ thống chiến hào là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nắm được âm mưu của địch, để hạn chế thương vong trước hỏa lực của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch áp dụng chiến thuật đào hào vây lấn để siết chặt vòng vây và tiếp cận dần vào các vị trí của quân Pháp.

Đánh lấn là một trong những chiến thuật đặc biệt mà ta sử dụng đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thuật này do bộ đội ta sáng tạo ra trong quá trình đánh địch ở Điện Biên Phủ được vận dụng để thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc", tức là bao vây, đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận địch từ ngoại vi vào tung thâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực, ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo để thắng địch.

Trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch, tại Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh mở 6 tuyến đường cơ động đưa pháo vào trận địa, ta còn xây dựng hàng loạt những trận địa giao thông hào, các trận địa xuất phát tiến công của bộ binh, nhiều trận địa hỏa lực của pháo binh, pháo cao xạ.

Một là loại giao thông hào trục, dùng cho việc cơ động bộ binh, pháo binh, vận chuyển thương binh, hình thành một đường vòng rộng, vây quanh toàn bộ trận địa ở Khu trung tâm; hai là loại giao thông hào tiếp cận của bộ binh, xuất phát từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng, tiến vào những vị trí xác định tiêu diệt địch. Dọc giao thông hào có các hố phòng pháo, hầm trú ẩn, hào chiến đấu và ụ súng để đối phó với những đợt phản kích của địch. Các loại giao thông hào thường có độ sâu 1,7m (lút đầu người), đáy hào trục rộng 1,2m, đáy hào bộ binh rộng 0,6m.

Từ mọi hướng, chiến hào quân ta phát triển một cách vững chắc tới gần trung tâm đề kháng của địch. Trong toàn bộ thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, hệ thống chiến hào, giao thông hào của quân ta đã bao vây, chia cắt Tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp.

Trong toàn bộ thời gian chiến dịch, một hệ thống chiến hào - giao thông hào dài dằng dặc, đã bao vây, chia cắt tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp. Điều ấy chứng tỏ rằng trên chiến trường này, lần đầu tiên trong lịch sử quân sự, quân ta đã thật sự tiến hành chiến tranh chiến hào. Với việc xây dựng hệ thống hầm, hào chiến đấu, hào giao thông, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện nghệ thuật chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều, đặc biệt là chiến tranh hầm hào, nghệ thuật vây lấn, góp phần quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau chiến tranh, khi tổng kết, nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất cho rằng, một nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tại chiến dịch này là cách đánh sáng tạo, tổ chức tốt lực lượng, thế trận, sự trưởng thành vượt bậc của tác chiến tiến công hiệp đồng binh chủng và huy động được rất lớn sức người để bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, một việc mà Pháp cho rằng không thể giải quyết được. Chỉ thị của Ban Bí thư ngày 11-5-1954 về việc tổ chức cuộc tuyên truyền, động viên mở rộng thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định: “Thắng lợi này chứng tỏ quân ta đã tiến một bước vượt bậc về mặt chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội vì trận Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay đã kết thúc bằng sự toàn thắng của ta”(4). Trong cuốn hồi ký “L'Agonie de L'Indochine” (“Đông Dương hấp hối”), một tác phẩm phân tích nguyên nhân thất bại của Pháp tại Đông Dương, tác giả H. Navarre khẳng định: “Nếu Tướng Giáp tiến công vào khoảng 25 tháng 1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông tạm ngưng tiến công”.

Tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại

Ta áp giải tù binh Pháp

Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế để làm nhân lên sức mạnh của ta trên con đường đi đến thắng lợi cuối cùng.

 Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Đảng ta luôn coi trọng sự đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia anh em.

  Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ đó đã làm cho sức mạnh chiến đấu của ba dân tộc Việt – Lào- Campuchia được nhân lên gấp bội, còn kẻ thù thì phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên khắp chiến trường Đông Dương, tạo điều kiện để ta giành thắng lợi ở mặt trận chính Điện Biên Phủ.

  Với quan điểm coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và luôn kiên định thực hiện đường lối đoàn kết quốc tế trong sáng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, nên từ năm 1950, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ to lớn của các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Pháp, và đặc biệt là của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa mà nhân dân ta đang tiến hành.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều nhân tố hợp thành, nhưng ngọn nguồn sâu xa của những nhân tố đó chính là sức mạnh văn hóa - nhân tố cốt lõi của Chiến thắng. Cùng với đó là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, được thể hiện qua sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bác Hồ, của những vị chỉ huy tài ba, mưu lược cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam, có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

 Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phòng chống dịch bênh Covid-19 hiện nay, bản lĩnh và trí tuệ ấy vẫn luôn là tiềm năng quý giá của dân tộc ta, cần được khơi dậy và phát huy để tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp, đưa sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Ban CTCT&SV

Số lượt đọc: 63874


Trở về đầu trang