MENU

Kỷ niệm 203 năm ngày sinh Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2021) - nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới

Thứ năm, 06/05/2021 - 8:32
"Chủ nghĩa Mác - Lê-nin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác - Lê-nin". Hồ Chí Minh

Những nét chính về tiểu sử Các Mác

Trong hàng ngũ những vĩ nhân của lịch sử nhân loại, Các Mác (Karl Marx) chiếm một vị trí nổi bật. Năm 1999, Trường Đại học Cambridge (Anh) tổ chức bình chọn nhà tư tưởng vĩ đại trong thiên niên kỷ thứ hai, Các Mác đã được bình chọn cho vị trí số một, xếp thứ hai là Anh-xtanh (A.Einstein).

Các Mác (5/5/1818 - 5/5/2018)

Cùng với Ph.Ăng-ghen (Friedrich Engels), Mác đã xây dựng phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa xã hội khoa học, đem lại cho nhân loại một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. Đặc biệt, từ khi còn rất trẻ, Các Mác đã hé lộ những phẩm chất thiên tài của một nhà bác học và một nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Các Mác sinh ra ở Trier, thành phố cổ kính thuộc phía Tây nước Phổ (nước Đức ngày nay) trong gia đình luật sư Hen-rích Mác (Heinrich Marx). Từ nhỏ, Các Mác đã bộc lộ phẩm chất thông minh với các sáng kiến trong những trò chơi của lũ trẻ. Cậu có khả năng kể lại một cách hình ảnh và sáng tác ra đủ mọi câu chuyện tưởng tượng và các câu chuyện cổ tích. Điều này đã khiến cậu trở thành linh hồn trong các trò chơi của lũ trẻ trong khu phố.

Mùa thu năm 1830, lúc 12 tuổi, Các Mác vào học ở trường trung học Tơ-ri-a. Quá trình học tập, Các Mác đã thể hiện là một học sinh thông minh, độc lập, giàu sức sáng tạo. Trong bài luận văn tốt nghiệp trung học, với chủ đề “Những suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”, Các Mác đã khiến thầy cô, bạn bè khâm phục và kinh ngạc khi nói về sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Mác viết: "Nếu một người chọn nghề mà người đó có thể làm được nhiều nhất cho nhân loại thì người đó sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy, không phải một sự vui sướng ích kỷ, hạn chế và đáng thương mà hạnh phúc của người đó sẽ thuộc về hàng triệu người…"Tốt nghiệp trung học, Các Mác vào học khoa Luật trường Đại học Tổng hợp Bon; ngoài việc học tập luật, ông còn say mê nghiên cứu triết học, lịch sử, chính trị. Ngày 15/4/1841, khi mới 23 tuổi, Các Mác nhận được bằng Tiến sĩ triết học với luận án "Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrit (Démocrite) và triết học tự nhiên của Êpiquơ (Épicure) tại trường Đại học Tổng hợp Jena.

Tháng 8/1844, Các Mác gặp Ph.Ăng ghen ở Pa – ri, nước Pháp. Bắt đầu từ đây, hai lãnh tụ của cách mạng vô sản thế giới đã tìm thấy sự đồng cảm về tư tưởng và lý tưởng cộng sản, đã tạo nên một tình bạn thủy chung, mẫu mực hiếm có. Tháng 2/1848, Các Mác và Ph.Ăng ghen cùng soạn thảo và xuất bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là văn kiện đầu tiên có tính chất cương lĩnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hai ông đã tích cực tham gia các tổ chức cộng sản, tích cực đấu tranh chống xã hội tư sản và tiểu tư sản đàn áp, bóc lột nhân dân lao động; cùng nhau sáng lập ra lý luận về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản – chế độ mang lại hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc cho các tầng lớp nhân dân lao động.

Về gia đình riêng, Các Mác và Gien - ni (người vợ hơn 4 tuổi) quen biết nhau từ hồi còn nhỏ. Gien - ni là con gái của một gia đình dòng dõi quý tộc Đức quyền thế, giàu có, vô cùng xinh đẹp và thông minh, học thức, được nhiều chàng trai con nhà quyền quý theo đuổi. Năm 17 tuổi, Mác đã đính hôn cùng Gien - ni. Tuy nhiên, do có sự chênh lệch về địa vị, tài sản nên mối tình của hai người gặp nhiều khó khăn, sóng gió. Vượt qua tất cả định kiến và ngăn cản, tháng 6/1843, Gien - ni đã kết hôn với Mác sau 7 năm chờ đợi, đã cùng Mác vượt qua bao sóng gió, khổ sở, thiếu thốn trong cuộc đời lưu vong làm cách mạng ở các nước Pháp, Bỉ, Anh... Tình yêu, tình vợ chồng của Các Mác và Gien - ni đã trở thành huyền thoại về tình yêu, tình đồng chí, đức hy sinh, dịu hiền, thủy chung. Các Mác và Gien - ni có 3 người con gái và 2 người con trai. Các con của ông bà sau này đều trở thành những nhà hoạt động cách mạng vô sản nhiệt thành như cha mẹ…

Các Mác và vợ Gien - ni

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng trong sự truy đuổi gắt gao của kẻ thù, trong điều kiện sống lưu vong, nghèo khổ đã làm cho sức khỏe của gia đình Các Mác ngày càng suy yếu. Ngày 2/12/1881, Gien - ni mất. Ngày 14/3/1883, Các Mác đi vào cõi vĩnh hằng với người vợ yêu quý, khi đang ngồi trên bàn làm việc.

Những cống hiến vĩ đại cho phong trào cách mạng thế giới

Các Mác - Ăng Ghen - Lê nin, ba lãnh tụ thiên tài của phong trào công nhân quốc tế

Các Mác là một thiên tài tư tưởng mà năng lực trí tuệ của ông xứng đáng được coi là trí tuệ của một người khổng lồ của thời đại mình. Tư tưởng và sự nghiệp của Các Mác đã vượt qua mọi thử thách của thời gian, được nhiều thế hệ nhắc đến với tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ và tôn vinh.

Suốt cuộc đời của mình cho đến khi qua đời, Các Mác đã vượt lên mọi trở ngại để đi thẳng đến mục tiêu của mình. Ông đã đấu tranh và đã chiến thắng với trái tim nóng bỏng, ý chí sắt đá và niềm tin mãnh liệt vào sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Không bao giờ ông nhân nhượng kẻ thù, lùi bước trước khó khăn. Các Mác mang hết công sức nghiên cứu khoa học để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Ông tin tưởng mãnh liệt rằng: "Đối với khoa học, không có con đường nào bằng phẳng thênh thang cả, chỉ có những người không sợ chồn chân mỏi gối để trèo lên những con đường nhỏ bé gập ghềnh của khoa học mới có hy vọng đạt tới đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi". Và ý chí, nghị lực, công phu lao động khổ luyện đó của Các Mác trong suốt cuộc đời đã để lại những thành quả vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, về Triết học, Các Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới mà hạt nhân của nó là phép biện chứng duy vật. Ông khẳng định, lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử những phương thức sản xuất kế tiếp nhau, cũng tức là lịch sử của những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân là động lực phát triển của lịch sử, là đội quân chủ lực của các cuộc cách mạng xã hội thay thế chế độ xã hội cũ, lỗi thời bằng chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa.
Thứ hai, về Kinh tế chính trị học, Các Mác đã tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của xã hội tư bản. Một trong những phát hiện vĩ đại của Các Mác trong kinh tế chính trị học, là đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư. Các Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Và đấu tranh giai cấp chính là động lực phát triển xã hội.

Thứ ba, về Chủ nghĩa xã hội khoa học, Các Mác đã phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mác đã tìm ra quy luật vận động phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có sứ mệnh tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản phải đi tới thành lập chuyên chính vô sản và dùng nó làm công cụ để xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Thứ tư, cống hiến đặc biệt của Các Mác là ông đã cùng Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) thành lập các tổ chức cộng sản đầu tiên trên thế giới như Liên đoàn những người cộng sản (1848), Quốc tế thứ nhất (1864), Quốc tế thứ hai (1889). Thông qua hoạt động trong phong trào và tổng kết thực tiễn, ông đã đặt nền móng vững chắc cho học thuyết về xây dựng đảng của giai cấp công nhân quốc tế. Tuy còn sơ khai nhưng trong học thuyết của ông đã khẳng định đảng của giai cấp công nhân, đảng cộng sản phải mang trong mình bản chất của giai cấp công nhân. Ông cũng là người nêu ra những quan điểm đầu tiên về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng cộng sản, thể hiện trong Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản, Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai với những nội dung chủ yếu về đoàn kết thống nhất trong Đảng, về mối quan hệ giữa các cơ quan lãnh đạo của Đảng với đội ngũ đảng viên, về kỷ luật của Đảng, về hệ tư tưởng của Đảng...

 Những quan điểm này đã được Lênin kế thừa và phát triển, hoàn chỉnh học thuyết về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân ngày nay. Nhờ học thuyết về xây dựng Đảng cộng sản của Mác, Ăngghen và Lênin, những người cộng sản trên toàn thế giới đã có hơn một thế kỷ hình thành phong trào công nhân quốc tế với các Đảng cộng sản kiểu mới và đã góp phần làm thay đổi bản đồ chính trị trên thế giới với những cột mốc vĩ đại như thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), Chiến thắng Hồng quân Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, những thành tựu xây dựng Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô-Đông Âu và các nước khác trên thế giới trong thập niên 40 - 50 - 60 - 70 của thế kỷ XX.

Ngày nay, học thuyết của Mác nói chung và học thuyết về xây dựng đảng nói riêng không những còn nguyên giá trị mà còn được các Đảng cộng sản ngày nay bổ sung thêm những nội dung mới, làm cho những quan điểm dẫn đường của Mác vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Các Mác và Ph.Ăng ghen (28/11/1820-5/8/1895)

Đối với Việt Nam, Đảng ta luôn kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành sức mạnh vật chất và di sản tinh thần quý báu, gắn liền với truyền thống yêu nước của dân tộc. Trên con đường đi tìm chân lý cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sớm tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa gắn chặt với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình; luôn vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giai cấp và dân tộc, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã tiếp tục giành được những thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ðảng luôn trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, với sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Qua hơn 30 năm đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mặc dù thế giới có những diễn biến hết sức phức tạp, đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, với ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh thế giới ngày nay đầy biến động, Đảng ta vẫn luôn giữ vững bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên trì đường lối đổi mới, coi đây là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Lịch sử đã chỉ cho chúng ta rằng, cùng với sự phát triển của thời đại, chúng ta càng phải kiên trì phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin; xác định rõ đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn; đổi mới không phải là xa rời, mà là nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, làm cơ sở phương pháp luận quan trọng nhất để hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới.
Và thực tiễn những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 91 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng: Nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

 Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng chính là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Kiên định và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Mình chính là cội rễ làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hành trình 91 năm dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Các Mác (Karl Marx) (5/5/1818 - 5/5/2018) - Là người thầy, lãnh tụ, nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, Các Mác (Karl Marx) sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, chính trị học, kinh tế học và triết học Mác xít. Di sản của Các Mác có giá trị trường tồn và sức sống bền vững trong lòng nhân loại tiến bộ và nhân dân Việt Nam.

Văn phòng Đảng ủy (Sưu tầm, biên tập)

Số lượt đọc: 1961


Trở về đầu trang